Kỹ sư Việt chế ôtô chạy nước lã, người Nhật chào thua
- Công nghệ mới
- 20:18 - 02/10/2015
Sản phẩm đánh bại cả thương hiệu của Nhật
Những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi tặng chiếc máy nghiền tôm cá làm mắm cho HTX Duyên Hải ở Đồ Sơn (Hải Phòng), giải phóng sức lao động cho 200 nữ công nhân,chàng kỹ sư trẻ Vũ Hồng Khánh được ông chủ nhiệm HTX tặng cho 5.000 đồng, số tiền cực lớn thời bấy giờ.
Có số tiền khổng lồ trong tay, Khánh đã mơ tưởng đến một kế hoạch phát triển cho tương lai của mình. Việc đầu tiên để thực hiện ước mơ sáng tạo, là anh dùng số tiền đó mua một mảnh đất rộng gần 500 mét vuông ở vùng ngoại thành, đã có sẵn ngôi nhà 2 tầng. Ngôi nhà đó Khánh ở, phần đất còn lại, anh dựng mái che, mở xưởng sản xuất hàng loạt các loại máy móc.
Sau sự thành công ngoài sức tưởng tượng của chiếc máy nghiền thủy sản làm mắm, các hợp tác xã khắp trong Nam ngoài Bắc tìm gặp chàng trai Vũ Hồng Khánh để đặt hàng. Thập kỷ 70 thế kỷ trước, chiếc máy nghiền thủy sản làm mắm xuất hiện khắp nơi, thay cho đôi bàn tay mài mắm vất vả của người công nhân.
Ông Khánh bên chiếc máy nghiền sắn thành thức ăn gia súc tự động do ông chế tạo
Tuy nhiên, chiếc máy nghiền thủy sản làm mắm chỉ là sáng chế khoa học thực tiễn đầu tiên. Từ khi lập xưởng, bán được máy móc, có vốn, Vũ Hồng Khánh liên tiếp có những sáng chế hết sức vĩ đại thời kỳ bao cấp.
Khánh thường đi thăm các doanh nghiệp Nhà nước, các hợp tác xã xem công nhân ở đây làm những việc gì vừa tốn sức lao động, vừa không hiệu quả, để sáng tạo ra máy móc thay cho những đôi tay yếu đuối, chậm chạp của con người.
Đã có đến cả trăm loại máy móc do chàng kỹ sư nghiệp dư Vũ Hồng Khánh chế tạo ra, hoàn toàn bằng bàn tay, khối óc của mình, như: máy chế biến xà phòng, máy ép gỗ, ép mùn cưa, máy cải tạo đồng cói, máy ép cói, máy chẻ cói, máy đan cói xuất khẩu, rồi đủ các loại máy móc phục vụ nông dân như máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa, máy cắt cỏ…
Những loại máy móc do Vũ Hồng Khánh sáng chế để phục vụ ngành công nghiệp, tiểu thủ công thì nhiều không thể kể xiết. Nổi bật và thành công nhất là những loại máy làm nhựa tự động như: máy nghiền nhựa tái sinh, máy làm chậu nhựa, xô nhựa, máy làm guốc, dép nhựa, máy thổi can nhựa, phễu nhựa, bát đĩa, cốc chén nhựa…
Chiếc máy sản xuất vành xe đạp inox tự động do ông Khánh chế tạo
Mọi loại sản phẩm bằng nhựa mà thị trường cần ông đều có thể làm được hàng loạt bằng cách sáng chế ra những chiếc máy tự động. Điều đặc biệt là các công đoạn chế biến sản phẩm hầu như đều bằng máy, giải phóng sức lao động tay chân của con người.
Từ những thành công đầu tiên, ông đã liên tiếp sáng chế những loại máy phức tạp mà người Việt khó tưởng tượng ra, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho bản thân và đất nước, và có ý nghĩa xã hội lớn lao…
Trong căn phòng làm việc khá bừa bộn ở một cái xưởng bỏ không dưới chân cầu Niệm, trên 4 bức tường treo kín ảnh các chính khách hàng đầu đất nước đến thăm Doanh nghiệp Tư nhân Khánh Hòa và cá nhân ông Vũ Hồng Khánh. Tấm ảnh to nhất, trang trọng nhất chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm sản phẩm của nhà khoa học này. Đại tướng là người mà ông Vũ Hồng Khánh vô cùng ngưỡng mộ.
Ông Khánh gắn sự nghiệp của mình với chiếc vành xe đạp cách đây khoảng 15 năm. Khi đó, Báo Nhân dân có bài viết: “Xe đạp Việt Nam đi về đâu?”. Bài báo nêu lên tình trạng xe đạp của Nhật và Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong nước khi đó cũng rục rịch đi vào lĩnh vực sản xuất xe đạp, tuy nhiên, sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh nổi sản phẩm của nước ngoài cả về hình thức và chất lượng. Nhà nhà mua xe đạp phượng hoàng của Trung Quốc, người người sắm xe đạp mini của Nhật Bản. Ngành công nghiệp xe đạp trong nước vừa mới ra đời, đã có nguy cơ phá sản, thất bại.
Đọc xong bài báo đó, ông Khánh rất buồn. Trong khi các nước Tây Âu đã sản xuất ra máy bay từ gần thế kỷ trước, đã sáng chế ra tàu vũ trụ, trong khi, đất nước mình, với mấy chục triệu dân, lãnh thổ không phải là nhỏ, mà sao chiếc xe đạp cũng không làm nổi.
Ông Khánh bên chiếc máy tự động sản xuất vành xe đạp inox
Cả đêm trằn trọc suy nghĩ, sớm hôm sau, ông ra chợ Sắt mua một chiếc xe đạp mini bãi của Nhật đêm về nghiên cứu. Ông tháo tung các bộ phận để xem xét. Với đầu óc của ông, việc sản xuất ra một chiếc xe đạp, không có gì khó khăn lắm, tuy nhiên, nếu làm nguyên một chiếc xe đạp, thì hiệu quả lại không cao.
So sánh các bộ phận của một chiếc xe đạp, ông Khánh tính toán giá trị như sau: Khung nặng 7kg mà chỉ có giá 100 ngàn đồng, vành inox chỉ nặng 1,4kg mà có giá tới 240 ngàn đồng.
Tính toán thiệt hơn, ông thấy việc sản xuất chiếc vành xe đạp sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Hơn nữa, trong chiếc xe đạp, thứ rất hay hỏng chính là chiếc vành. Những chiếc xe đạp của Trung Quốc cứ đâm vào đâu là méo vành ở đó. Xe dùng chỉ được vài năm, là vành han gỉ, bởi vành là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nước. Do đó, nếu sản xuất được vành xe đạp không gỉ, thì chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Nghĩ là làm, làm là say mê quên mình. Ông Khánh bỏ bê mọi công việc lên quan đến các xưởng sản xuất đồ nhựa, dày tâm nghiên cứu việc sản xuất vành xe đạp.
Việc sản xuất vành xe đạp inox đạt độ chính xác rất cao và năng suất bằng hàng ngàn lao động thủ công
Sau nhiều ngày đêm miệt mài trong công xưởng, những chiếc vành inox đầu tiên cũng xuất hiện với chất lượng và kiểu dáng tương đương với vành inox của Nhật Bản.
Chỉ là một chiếc vành đơn giản, song người Nhật đã làm mưa làm gió trên thị trường thế giới. Đem những chiếc vành xe đạp bằng inox đi dự thi ở Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp Việt Nam tại Giảng Võ, ông Khánh đã rinh ngay một chiếc huy chương vàng.
Chiếc huy chương vàng đặt trong tủ kính, chiếc bằng chứng nhận treo trên tường, đã thể hiện sự thành công và nỗ lực của ông Vũ Hồng Khánh.
Tuy nhiên, ông Khánh nhận ra rằng, nếu cứ sản xuất thủ công như vậy thì sản lượng không cao, chất lượng không đồng đều và sẽ không thể phát triển mạnh, với quy mô lớn, trong thời gian ngắn. Hơn nữa, sản xuất cái vành xe đạp bằng cách thủ công thì mấy anh thợ hàn, thợ gò cũng làm được, cần gì đến một kỹ sư.
Ngẫm vậy, thế là ông Khánh tiếp tục đêm ngày vẽ vời, rồi gò, rồi đúc. Các công nhân làm việc miệt mài dưới sự chỉ đạo của ông. Chỉ thời gian ngắn sau, một hệ thống dây chuyền sản xuất vành xe đạp tự động đã ra đời.
Chỉ cần đưa tấm inox vào một đầu của máy, sẽ cho ra chiếc vành inox hoàn thiện, mà không cần sự can thiệp của con người
Theo ông Khánh, trông cái vành xe đạp inox khá đơn giản, nhưng để tạo ra một cái máy sản xuất tự động thì không hề đơn giản chút nào. Dây chuyền chế tạo là sự kết hợp giữa cơ khí với tự động hóa. Cái khó nhất là công nghệ cán gấp định hình trực tiếp từ thép lá cuộn phải đạt trình độ kỹ thuật và độ chính xác tuyệt đối.
Chỉ cần sai một ly, bằng một hạt cát, sản phẩm ra đời sẽ là một miếng sắt vụn, chứ không thể là cái vành xe đạp với những số đo chính xác đến một phần ngàn milimet.
Sáng chế thành công hệ thống dây chuyền sản xuất vành xe inox tự động là một thành công lớn, ngoài sức tưởng tượng của các nhà khoa học Việt Nam, kể cả những bộ óc sáng chế lớn trong các cơ quan khoa học.
Khi một, rồi hai, rồi 3… chiếc máy sản xuất vàng inox tự động ra đời, sản phẩm vành xe đạp của Doanh nghiệp Tư nhân Khánh Hòa đã tràn ngập khắp cả nước. Những chiếc vành xe đạp cứ tuôn tỏa ngày đêm từ chiếc máy ra ngoài, rồi các công nhân chỉ việc đóng gói thành từng lô, đưa lên xe tải cho các đại lý chở đi.
Chiếc vành xe đạp inox có chất lượng tương đương, kiểu dáng đẹp như vành xe đạp Nhật, song giá thành lại chỉ bằng 1/6 chiếc vành xe đạp của Nhật Bản.
Mặc dù có thể bán với giá rất cao, tương đương với vành xe đạp của Nhật, song nếu làm như vậy thì người dân thiệt thòi quá, mà lợi nhuận ông thu về kinh khủng quá, vượt xa với giá trị thực của một chiếc vành xe đạp. Thay vì bán với giá 240 ngàn/chiếc, ông chỉ bán với giá 40 ngàn đồng, vẫn đảm bảo lãi gấp đôi.
Lý do chiếc vành xe đạp được bán với gái rẻ như vậy, là bởi vì việc sản xuất hoàn toàn tự động bằng máy móc, không tốn mấy công sức của con người.
Với chất lượng, giá cả như thế, vành xe đạp của Nhật Bản và Trung Quốc và của các doanh nghiệp trong nước đã bị đánh bại hoàn toàn. Thậm chí, những chiếc vành xe đạp của Doanh nghiệp Tư nhân Khánh Hòa đã tràn ngập thị trường Lào, Campuchia, rồi xuất ngược cả sang Nhật Bản, Trung Quốc.
Ông Vũ Hồng Khánh lôi chiếc bản đồ cũ kỹ, bụi bặm, nằm dưới đống giấy tờ lộn xộn. Từ chiếc bản đồ đó, tôi thấy những nét vẽ màu đỏ kéo từ Hải Phòng đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, vượt đại dương sang cả châu Âu, châu Mỹ. Điều đó có nghĩa là sản phẩm vành xe đạp của ông đã chu du đi khắp thế giới.
Giữa thời kỳ khó khăn của ngành sản xuất xe đạp nước nhà, việc ra đời của những chiếc máy sản xuất vành xe đạp tự động đã góp phần làm sống dậy ngành sản xuất xe đạp trong nước, tạo ra phong trào cạnh tranh mạnh mẽ.
Điều kỳ diệu mà khó có sản phẩm nào do các nhà khoa học trong nước sáng chế đạt được, đó là cả chục lần mang chiếc vành xe đạp đi dự thi, thì đều đạt được giải thưởng cao nhất. Riêng 7 lần đi dự Hội chợ hàng công nghiệp Việt Nam, thì cả 7 lần được huy chương vàng. Sản phẩm của ông cứ tham dự là đoạt huy chương vàng, là bởi không có sản phẩm nào ở thời kỳ đó có chất lượng tốt mà giá thành lại rẻ như chiếc vành xe đạp inox của ông.
Mới đây, kỹ sư Vũ Hồng Khánh đã thử nghiệm thành công chiếc xe ô tô chạy bằng nước lã từ Hải Phòng lên Hà Nội. Ngoài ra, ông còn chế tạo chiếc xe vừa chạy bằng nước vừa chạy bằng xăng, giúp tiết kiệm nhiên liệu tới 35%. Ông Khánh đã chế tạo hàng loạt máy móc biến nước thành hydro - thứ mà ông gọi là siêu năng lượng. Ông đang viết nhiều đề tài để sử dụng hydro vào cuộc sống, chế tạo vũ khí... |
CÙNG CHUYÊN MỤC
Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình: Thực hiện kinh tế tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên
Trong chiến lược phát triển, Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình (CNC) đã tiên phong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm thu gom,...
1 năm trước
Tin nên đọc