Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH: Chính sách xã hội cần một tầm nhìn “thông thoáng hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn”
- Dược liệu
- 08:45 - 28/08/2023
Bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau
Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số chính sách xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản bảo đảm công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội. Trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn, 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020.
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/NQ-TW, các chính sách xã hội được thực hiện toàn diện từ Trung ương đến địa phương; đời sống của nhân dân trên khắp các vùng, miền, mọi thành phần, dân tộc đều được nâng lên.
Chính sách người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và được thực hiện tốt nhất trong điều kiện kinh tế - xã hội cho phép; đã trở thành phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng bản, thôn xóm. Đối tượng người có công được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh hằng năm. Đã giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị công nhận người có công còn tồn đọng vào năm 2020. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; trong đó hơn 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Đến năm 2020, bảo đảm 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ…
Hằng năm, cả nước tạo được khoảng 1,5 - 1,6 triệu lượt việc làm cho người lao động; tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70,25%. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2020 là 4,25 triệu đồng/tháng, tăng gần 3 lần trong 10 năm qua.
Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Chính sách giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện. Từ 1 quốc gia, hơn 70% dân số nghèo đói (năm 1990) đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,23% (năm 2021). Thu nhập bình quân của hộ nghèo đã tăng 3,5 lần trong 10 năm qua.
Chính sách BHXH trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng; chính sách BHYT ngày càng được hoàn thiện. Đến năm 2021, có 88,8 triệu người tham gia BHYT, chiếm 91% dân số.
Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hằng năm. Đến năm 2021 đạt 3,509 triệu người (bao phủ 3,5% dân số), tăng gần 2,5 lần so với năm 2010, trong đó trên 55% là người cao tuổi.
Nhằm bảo đảm mức tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản, nhiều năm qua, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng xã hội điện, đường, trường, trạm; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin…
Tại hội thảo “Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển trên bao trùm, toàn diện, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức, TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, những thành quả đạt được trong thời gian qua khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Tuy nhiên, theo TS Bùi Tôn Hiến, một số vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội vẫn còn hạn chế, chậm được cải thiện. Cụ thể như, chất lượng lao động và việc làm thấp, thị trường lao động chậm phát triển; giảm nghèo còn chưa bền vững, chênh lệnh mức sống giữa các vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn; phạm vi bao phủ của BHXH còn thấp; phạm vi bao phủ và mức trợ giúp xã hội thấp; chất lượng và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, phòng bệnh của nhân dân; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; nhà ở cho người dân chưa được bảo đảm, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp; hệ thống quản lý còn bất cập, chưa hiện đại…
“Tầm nhìn phải xa hơn, hành động phải mau lẹ hơn”
Theo các chuyên gia của Văn phòng ILO tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng hơn nữa nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội. Mục tiêu cuối cùng là để mọi công dân được bảo đảm an sinh xã hội trong suốt vòng đời. Những bước tiến này đã được thể hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách BHXH và Đề án đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội cũng như các kế hoạch hành động liên quan.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2021 - 2030 đã đặt ra các mục tiêu để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong giai đoạn này, các yếu tố khác như rủi ro toàn cầu, các vấn đề về môi trường và áp lực nhân khẩu học do tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế cũng như thị trường lao động, có tác động mạnh mẽ đến mức sống của mọi người dân. Do đó, con đường cải cách hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam cần tiếp tục phát triển theo hướng trở thành hệ thống an sinh xã hội đa tầng thực sự. Hệ thống dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và bảo đảm đất nước tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng khẳng định, phải làm sao để các chính chính sách xã hội đến được với người dân một cách “nhanh nhất, gọn nhất và dễ tiếp cận nhất”. Điều đó đã được thể hiện rất rõ qua việc triển khai hàng loạt chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn Covid-19 vừa qua. Với sự lãnh đạo linh hoạt, sáng suốt của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách, trong đó có nhiều chính sách chưa có tiền lệ nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của nhân dân. Với 6 nghị quyết và quyết định chưa từng có tiền lệ, chúng ta đã huy động tới 104.000 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 68,67 triệu lượt người và trên 1,4 triệu người sử dụng lao động. Thông qua việc hỗ trợ này đã góp phần khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là duy trì chuỗi cung ứng lao động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, góp phần ổn định và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân và người lao động.
Theo Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta phải tính đến một bài toán căn cơ, lâu dài hơn trong xây dựng mạng lưới chính sách xã hội hay còn gọi là lưới an sinh xã hội. Lưới an sinh xã hội của chúng ta đang duy trì sự đảm bảo ở mức độ tối thiểu nhưng thời gian tới sẽ phải tính toán tới việc duy trì mặt bằng nhưng đòi hỏi sự phát triển cao hơn một bước. Khi đó, các chính sách có thể đảm bảo cho người dân, người lao động được 3 yếu tố: Phòng ngừa rủi ro, khắc phục rủi ro và chủ động ứng phó với rủi ro. Khi đó, lưới an sinh và chính sách xã hội của chúng ta mới đảm bảo bền vững và toàn diện.
“Thực hiện được phương châm và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đánh đổi lấy phát triển kinh tế đơn thuần". Và sự tiến bộ, công bằng xã hội phải bắt đầu từ các chính sách, từ những công việc cụ thể với một tư duy: “Tầm nhìn phải xa hơn nhưng hành động phải mau lẹ hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.