THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:12

Kỷ nguyên số: Nhiều cơ hội và thách thức đối với các nhà khoa học nữ

Dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu gồm các nhà nữ khoa học trong khu vực châu Á – Thái Bình dương, đại diện Liên Hiệp Quốc, tổ chức quốc tế , một số đại biểu quốc tế khác và đại diện các bộ, ban, ngành Việt Nam.

Một trong những vấn đề được tập trung bàn thảo tại Hội nghị lần này là Giới và bình đẳng giới trong khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của khu vực và quốc tế, đồng thời cũng nằm trong các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Hội nghị lần này sẽ thông qua tuyên bố Hà Nội nhằm thể hiện tầm nhìn và quyết tâm mạnh mẽ của các thành viên APNN trong việc thúc đẩy sự tham gia đóng góp của phụ nữ trong khoa học và công nghệ.

 

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước một cuộc cách mạng có thể làm thay đổi cơ bản cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học nữ giữ một vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định vào sự phát triển toàn diện, bền vững của mỗi quốc gia, mỗi khu vực và trên toàn cầu.

Theo Chủ tịch Hội LHPNVN, Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu và có các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ khoa học nữ. Đội ngũ nữ khoa học, trí thức đã từng bước trưởng thành. Tỷ lệ nữ thạc sỹ năm 2014 là 43%, nữ tiến sỹ và tiến sỹ khoa học là 21%; tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư giai đoạn 2012-2016 là 24,6%. Nhiều phụ nữ có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc làm cơ sở hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

 

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học nữ trong kỷ nguyên số.

 

Là 1 trong 5 nhà khoa học nữ ngành vật lý - vinh dự nhận giải thưởng tập thể Kovalevskaia năm 2016, PGS.TS Trần Kim Anh cho rằng: “Bình đẳng giới trong khoa học công nghệ không chỉ là vấn đề của Việt nam mà còn là của cả thế giới. Vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao không những trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn trong nhiều mảng quan trọng như Quốc hội, cộng đồng doanh nhân, văn hóa xã hội… Tuy nhiên ở Việt Nam, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ làm khoa học, còn gặp vô vàn khó khăn. Lớn nhất chính là quan niệm của xã hội chưa có sự bình đẳng. Phụ nữ gánh quá nhiều vai, không chỉ làm vợ, làm mẹ mà còn đóng góp cho xã hội trong khi hạn chế nhiều về sức khỏe, kinh tế”.

“Khi đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ càng gặp nhiều thách thức hơn nữa. Tuy vậy, nếu được tiếp xúc học hỏi và phát huy được năng lực của mình, tôi tin đây sẽ là cơ hội cho các nhà khoa học nữ phát triển” -  PGS.TS Trần Kim Anh khẳng định.

Còn PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội cho rằng, Cách mạng 4.0 sẽ mang lại nhiều thuận lợi đối với nữ khoa học như được tiếp cận với sự văn minh hiện đại, năng suất công việc và cơ hội để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội sẽ là thách thức không nhỏ đối với phụ nữ ở mức trình độ chưa cao. Bài toán đặt ra là vừa nâng cao năng suất lao động nhưng vừa đảm bảo việc làm để nâng cao thu nhập cho họ, trong bối cảnh việc sử dụng lao động sẽ ít đi, máy móc thay thế con người.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - khẳng định cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang lại thách thức mà còn mang lại cơ hội cho các em gái, khi những công việc đòi hỏi trí tuệ và đổi mới sáng tạo là xu thế và những công việc cần sức nặng cơ bắp được thay thế dần bởi các robot.

“Tôi tin tưởng Hội nghị sẽ thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về cơ chế, chính sách khuyến khách các nhà khoa học nữ tham gia các ngành, lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời đề xuất được sáng kiến hay, giải pháp khả thi để các cấp chính quyền có thể thể chế hóa thành các quy định, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát huy tiềm năng của mình”, ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh