CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:11

Kỷ lục xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 11 tháng

Tính đến hết tháng 11/2020, con số này đạt hơn 254 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại quốc gia đạt mức xuất siêu hơn 20 tỷ USD.

Điều này cho thấy, hàng Việt Nam có khả năng thích ứng tốt trước điều kiện bất lợi do dịch Covid-19.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, Việt Nam xuất siêu là nhờ nền kinh tế có mức tăng trưởng dương, sức chống chịu của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể, đồng thời đã tận dụng khá tốt thời cơ, ưu đãi từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đi sâu phân tích có thể thấy, đã có 31 mặt hàng, nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, tiêu biểu là hàng dệt may, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, phụ tùng...

Luỹ kế 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 7% và chiếm 71% tổng kim ngạch. Kim ngạch của khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng thấp dưới 2%.

Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản hoặc công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công tăng xuất khẩu so với cùng kỳ. Trong đó, đồ điện tử, máy tính và linh kiện hay máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng hai chữ số. Ngược lại, hàng nông, lâm sản, thủy sản đều giảm xuất khẩu so với cùng kỳ (ngoại trừ gạo).

11 tháng, xuất khẩu sang các thị trường EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm từ 3% đến 10%, riêng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng trưởng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt gần 70 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 43 tỷ USD, tăng 16%.

Xét về nhập khẩu, Việt Nam tăng nhập khẩu 1,5% trong 11 tháng đầu năm chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tính chung 11 tháng, khu vực trong nước giảm nhập khẩu gần 10% còn các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tăng nhập khẩu hơn 9% so với cùng kỳ.

Dự báo, trong tháng 12/2020, một số mặt hàng chủ lực đang có sức tiêu thụ cao như hàng điện tử, máy tính và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; gạo; thủy sản… vẫn có chiều hướng tăng do bước vào dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch.

Dệt may, một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, dự báo đạt tổng giá trị xuất khẩu cả năm 2020 khoảng 33,5-34 tỷ USD, cao hơn dự báo hồi tháng 4-2020 (khoảng 30-31 tỷ USD).

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản cũng được đánh giá khả quan khi từ tháng 9-2020 đã phục hồi đà tăng trưởng 2 con số; và hết tháng 11, các thị trường lớn của thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đều tăng lần lượt 25%, 30% và 15%. Dự báo hết năm 2020, thủy sản có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 8,58 tỷ USD, tương đương năm 2019.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, để đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD đề ra từ đầu năm là rất khó khăn, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn mà còn phụ thuộc vào sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 64,3%), như: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may…
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước: rau quả đạt 3 tỷ USD, giảm 11,7%; hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, giảm 1,7%; cà phê đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,9%...

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh