Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV: Xem xét, quyết định nhân sự cấp cao
- Tây Y
- 15:10 - 14/06/2016
Bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV dự kiến diễn ra trong 9 ngày, từ 20 đến 30/7/2016. Việc xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu nhiệm kỳ, nên phần lớn thời gian của kỳ họp dành cho việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Theo đó, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội và các chức danh cấp cao trong bộ máy Quốc hội, Chính phủ và Phó Chủ tịch nước cho nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất sẽ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Chủ tịch nước sẽ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 trình bày Tờ trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Sau khi được bầu, Thủ tướng khoá mới sẽ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.
Cũng tại Kỳ họp này Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng quốc phòng - an ninh. So với công tác nhân sự vừa tiến hành tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII (tháng 4/2016), kỳ này Quốc hội không phải thực hiện việc miễn nhiệm đối với các chức danh vừa được kiện toàn của khoá trước.
Về thủ tục tuyên thệ nhậm chức của các chức danh đứng đầu các khối cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, trong lễ tuyên thệ nhậm chức, khi cờ Tổ quốc đã được giương cao, mọi người đều phải đứng lên, không nên để chỉ người đứng tuyên thệ, các đại biểu phía dưới vẫn ngồi, không khí kém trang nghiêm.Đáp lại ý kiến này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo, nghi thức tuyên thệ dự kiến được điều chỉnh theo hướng, khi một chức danh đứng trước bục tuyên thệ, cả Đoàn chủ tịch kỳ họp ngồi ở hàng ghế cao nhất cũng sẽ xuống phía dưới và mọi người trong phòng họp đều đứng dậy. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thống nhất với hướng điều chỉnh này.
Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về môi trường biển
Ngoài nội dung nhân sự, Quốc hội khoá mới, ngay tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội cũng dự kiến xem xét những vấn đề rất quan trọng như phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, theo báo cáo, đến thời điểm này, Chính phủ chưa có văn bản trình chính thức vấn đề trên. Nội dung này vẫn đang để ngỏ, chưa xếp trong chương trình.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, bên cạnh các nội dung sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét theo thông lệ như công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chuẩn bị thêm một số báo cáo. Cụ thể, một báo cáo được yêu cầu bổ sung là về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, tài liệu này chỉ gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu. Quốc hội không thảo luận về nội dung này. Báo cáo về môi trường biển này, theo đó nhiều khả năng sẽ được thực hiện sau khi Chính phủ công bố chính thức kết luận về hiện tượng cá chết bất thường dọc bờ biển các tỉnh miền Trung vừa qua.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn đã khẳng định, sẽ công bố kết luận này trong tháng 6. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, kết luận sơ bộ do các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết đã gửi lên Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, để xác định “thủ phạm” gây nhiễm độc nước biển để xử lý trách nhiệm cần tiếp tục củng cố thêm các chứng cứ pháp lý cũng như khoa học. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức phản biện độc lập thêm đối với kết luận của các nhà khoa học. Báo cáo của Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội, theo đó được cho là sẽ cập nhật cả nội dung xử lý trách nhiệm đối với sự cố môi trường rất nghiêm trọng này.
Phiên họp 49 UBTVQH diễn từ 13 đến 15/6, sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017; việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ thay mặt Hội đồng trình bày báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Vấn đề quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; việc xử lý và phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015 và Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 cũng là những nội dung quan trọng được UBTVQH cho ý kiến. UBTVQH cũng sẽ thảo luận về Tờ trình của Chánh án TANDTC về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm, Giấy chứng minh Thẩm phán và Hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong Tòa án nhân dân; việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp đối với kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm cũng được xem xét, thông qua tại phiên họp. |