THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:23

Kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII: Kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước

 

Đại biểu thảo luận tại Hội trường Luật Điều ước quốc tế.

Sau khi thảo luận tại Đoàn, các đại biểu QH biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu gồm 25 người do ông Huỳnh Văn Tí (đoàn Bình Thuận) làm Trưởng ban.

Quốc hội tiến hành miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Với tỷ lệ 454 đại biểu bỏ phiếu tán thành (92,11% tổng số đại biểu Quốc hội) QH đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch QH khóa XIII và chức vụ Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với ông Nguyễn Sinh Hùng. Nghị quyết có hiệu lực đến khi QH bầu được Chủ tịch QH và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia mới.Tiếp đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để QH bầu Chủ tịch QH khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Người được giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch QH khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay thế ông Nguyễn Sinh Hùng là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch QH khóa XIII.

Quy trình bầu Chủ tịch QH khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia diễn ra sáng 31/3 bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nếu trúng cử, bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là nữ Chủ tịch QH đầu tiên trong lịch sử QH Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân sinh ngày 12/4/1954; Quê quán: Xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre; là thạc sĩ kinh tế chuyên ngành tài chính tín dụng, cử nhân Chính trị. Bà Ngân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 9/12/1981 và trở thành Đảng viên chính thức một năm sau đó.

Bà Nguyễn Thị  Kim Ngân từng kinh qua các vị trí: Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại, Bộ trưởng LĐ-TB&XH; Phó chủ tịch Quốc hội từ năm 2011.Bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 9, 10, 11, 12; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 12, 13.

Hai lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, bà Ngân đều dẫn đầu danh sách được tín nhiệm. Năm 2013, bà đạt 372 "tín nhiệm cao" - số phiếu nhiều nhất trong các đại biểu. Năm 2014, bà đạt "tín nhiệm cao" nhiều nhất với 390 phiếu.

Trước đó, sáng 30/3, QH đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Theo đó, đa số ý kiến đại biểu nhất trí sửa tên luật thành “Luật Điều ước quốc tế” để đảm bảo tính khái quát, dễ hiểu.

Đề cập tới mối quan hệ giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước, đại biểu Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần xem xét, xác định rõ vị trí của điều ước quốc tế trong mối tương quan với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Quy định của dự thảo luật là điều ước quốc tế không được trái Hiến pháp và ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng cho rằng như thế có thể hiểu điều ước quốc tế dưới Hiến pháp nhưng trên luật cho dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật. “Do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm cả Hiến pháp nên quy định như khoản 1 Điều 6 "Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế" là chưa đầy đủ, chưa chính xác”, đại biểu Tùng nói về đề nghị sửa lại "trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trừ Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế" để thống nhất được khoản 5 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 1 Điều 3 của dự thảo.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh