Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm lớn lao
- Tây Y
- 15:22 - 22/03/2016
Thu không đủ chi thường xuyên và trả nợ
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020; năm QH khóa XIII và các cơ quan tổ chức trong bộ máy nhà nước hoàn thành nhiệm kỳ hoạt động của mình; năm tổ chức bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020... Tại kỳ họp này QH sẽ tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước; xem xét, tổng kết hoạt động của bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ qua; xem xét quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
“Kỳ họp thứ 11 là thời điểm để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác, đề ra các việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Với khối lượng công việc khá lớn và nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Kỳ họp này, nhiệm vụ rất nặng nề và trách nhiệm cũng thật lớn lao” và đề nghị Chính phủ, cơ quan hữu quan dành thời gian chuẩn bị chu đáo nội dung trình QH, đồng thời cũng đề nghị các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Ngay sau phiên họp khai mạc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện KT - XH 5 năm (2011- 2015), kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016 - 2020. Báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý. Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, trong đó năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD.
“Trong 5 năm đã tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người. Trong đó, tạo việc làm trong nước đạt 7,35 triệu người (đạt 97,3% kế hoạch). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Về an sinh xã hội, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công năm 2015 tăng 71,2% so với mức chuẩn năm 2010”, Phó Thủ tướng cho biết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc kỳ họp.
Thừa nhận về các yếu kém của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu rõ: “Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011- 2015. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%)”.
Cử tri quan tâm nhiều vấn đề lớn của quốc gia
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH, cho thấy: Trong những tháng đầu năm 2016, đại bộ phận các tầng lớp nhân dân trong cả nước quan tâm và đánh giá cao việc tổ chức thành công Đại hội XII của Đảng, tích cực hưởng ứng cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay, cử tri kiến nghị rà soát, có giải pháp kịp thời, để bảo đảm những người có thu nhập thấp đã ký kết vay theo gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi, nhằm ổn định cuộc sống.
“Đặc biệt, cử tri và nhân dân phấn khởi trước việc Chính phủ đã nâng mức lương tối thiểu theo vùng, góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc nâng mức lương tối thiểu gắn với nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động là quy luật tất yếu”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn về nâng mức lương tối thiểu gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất để đảm bảo tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế đồng thời bảo đảm nâng cao thu nhập thực tế của người lao động.
Lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông.
Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội mới sẽ tuyên thệ nhậm chức trong tháng 4 Kỳ họp cuối cùng của QH khoá XIII sẽ chứng kiến sự chuyển giao quyền lực của các lãnh đạo cấp cao nhà nước để kiện toàn sớm bộ máy, chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới. Quốc hội sẽ miễn nhiệm và bầu mới các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng. Công tác nhân sự dự kiến chiếm quá nửa chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11 (10,5/19 ngày). Theo chương trình kỳ họp, quy trình làm nhân sự sẽ được bắt đầu từ ngày 30/3. Dự kiến ngày 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội. Chủ tịch nước mới được bầu cũng là người trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ mới. Sau khi bỏ phiếu kín, kết quả bầu Thủ tướng mới được công bố ngày 7/4. |