THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:54

Thanh Hóa: Kỳ bí đôi giếng và con “rắn thần”

 

Từ câu chuyện của người giữ gia phả

Hai cái giếng thần mà người dân nơi đây vẫn thường gọi là giếng nam và giếng nữ không biết đã có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, giếng luôn đầy ắp nước, màu nước trong xanh, nước mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Đôi giếng thần nằm cạnh nhau bên cây si cố thụ.

Theo lời kể của ông Cao Viết Hội, người đang giữ gia phả có ghi lại toàn bộ sự tích huyền bí về hai cái giếng thần ở làng Chiềng, xã Cẩm thì, Cụ tổ ông là người địa phương, ban ngày ông thường đi làm công việc đồng áng, nương rẫy. Đêm đến ông lại đi kéo vó ở các khe suối xung quanh vùng. Một hôm trời tối đen như mực, ông đưa vó xuống kéo cá ở một vũng nước sâu. Đêm đã khuya mà chưa được một con cá nào. Ông định ra về thì vớt được một quả trứng to bằng quả trứng gà. Ông trở về nhà đặt quả trứng vào cho gà ấp chung với ổ trứng gà, khi ổ trứng gà nở thành con, quả trứng lạ vẫn nằm im lìm trong ổ khiến ông phải đem sang ổ trứng khác. Thêm một lần chuyển ổ, đúng 55 ngày sau, ông bỗng nghe con gà mái đang ấp cất tiếng gáy vang, nháo nhào nhảy bổ ra khỏi ổ rơm. Chạy vội ra nơi đặt ổ trứng, ông thấy một con rắn nhỏ, dài cỡ hơn gang tay, thân hình trắng toát, đầu có mào đỏ như mào gà đang vươn mình. Từ đấy, ông thường bắt tôm, cá nuôi rắn như các vật nuôi khác trong nhà, rắn cũng luôn quấn quýt bên ông, hễ ông đi đâu là nó đi theo. Thời gian trôi đi, rắn lớn nhanh như thổi to như bắp chân, dài gần ba mét.

Mỗi lần ông làm việc gì rắn đều đi theo để giúp, ông kéo cá nó xuống nước xua cá, tôm vào vó, ông đi làm đồng rắn theo ông lúc về cùng về. Cứ như vậy, rắn sinh sống bên ông cho dến một hôm rắn bỗng bỏ ăn, nằm cuộn tròn không nhúc nhích dưới gầm giường suốt ba ngày. Sang ngày thứ tư, nó lại theo ông ra hồ kéo vó. Rồi bất thình lình, nó quay lại, ngóc cổ lên cao như chào từ biệt ông rồi chìm sâu xuống nước. Đêm ấy, ông nằm mơ thấy một chàng trai bạch diện thư sinh, mặc đồ trắng, đội mũ đỏ đến bên giường, nói “Mấy năm nay con được bố nuôi nấng, chăm sóc, những tưởng bố con sẽ sum vầy mãi mãi, nhưng không được vì con chưa hết nợ kiếp này nên phải ra đi. Nay mai có dịp, con sẽ đền ơn bố và dân làng”. Dứt lời, chàng trai quỳ xuống lạy ông ba lạy rồi quay người mất dạng trong tích tắc.

Thời gian sau đó, hạn hán kéo dài, bà con làng Chiềng không có nước mà sinh hoạt, ruộng đồng, sông suối trong vùng đều khô cạn, dân làng gặp rất nhiều khó khăn. Một đêm, ông nằm mơ rắn về báo mộng cho ông, rằng ngày mai sẽ có nước về cho dân làng. Không tin lắm nhưng sáng hôm sau, ông cũng dậy thật sớm xem sự thể thế nào. Hôm ấy, trời đang nắng bỗng nổi cơn gió mạnh, mây đen kéo tới tối sầm, rồi hai mó nước bất ngờ đùn lên ngay giữa làng, nước tuôn ào ạt, chốc lát đã dâng tràn lai láng, dân làng dùng thoả thê không hết. Kể đến đây, ông Hội thắp ba nén nhang lên bàn thờ rồi vái ba vái và lấy xuống một chiếc hộp gỗ sơn màu vàng, bên trong đựng bản sắc phong đã ngả màu vàng ố, có những dòng chữ Nho viết bằng mực Tàu và dấu triện màu đỏ. Theo ông, đây là bản sắc phong vào năm thứ ba, đời Vua Tự Đức, phong cho thần rắn là “Xà vương hạ đẳng thần” vì công lao đem nước về cho dân làng Chiềng. Từ đó, để giữ nguồn nước quý, làng cho xây hai cái giếng cạnh nhau, một cái gọi là giếng nam, một cái gọi là giếng nữ. Sau đó, làng cho trồng cây si, lập bia đá ghi công đức rắn thần và thường xuyên khói hương, thờ phụng. Hàng năm dân làng đều làm lễ rước từ giếng vào nhà ông rất long trọng, người dân quanh vùng thường về đây dâng hương để mùa màng luôn được bội thu, ấm no, hạnh phúc.

Bản sắc phong ghi lại tích xưa.

…đến những chuyện lạ lùng chưa có lời giải 

Rời nhà Hội với câu truyện có nhiều tình tiết ly kỳ càng làm cho chúng tôi thêm sự tò mò, muốn ra ngay đôi giếng rắn thần để được tận mắt chiêm ngưỡng. Từ đường quốc lộ dẫn vào giếng là con đường đất lầy lội, vòng vèo. Sau một lúc đánh vật với con đường chúng tôi mới đặt chân tới nơi. Quả đúng như những gì chúng tôi tưởng tượng, đôi giếng nằm cạnh nhau được lát bằng những phiến đá phẳng lì, đã được xây bao quanh, bốn phía là những cây si cổ thụ uốn lượn. Hai miệng giếng chỉ vài mét vuông. Đứng ở phía ngoài nhìn vào nước có màu xanh giống màu mắt rắn. Ở giữa có một rảnh khoảng 20cm cho nước chảy ra ngoài. Nước trong giếng cứ đều đặn chảy ra. Trong khuôn viên có một bia đá, chữ khắc trên bia là chữ Hán đã mờ không nhìn rõ nét.

Theo người dân nơi đây, chưa khi nào đôi giếng này cạn nước, kể cả khi hạn hán nhất, giếng ở các vùng khô thì ở đây vẫn đầy nước. Nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu trông chờ từ đôi giếng này. Lúc đó, dân làng phải dùng xe bò chở thùng phi, xô, chậu để lấy nước về sinh hoạt. Nhiều năm nay, người dân nơi đây vẫn luôn lấy nước từ đôi giếng này. Lạ là hút đến đâu, nguồn nước lại ùn ùn trào dâng đến đó dù từ miệng giếng xuống đáy chỉ sâu có 2,5m. Mùa hè thì nước mát rượi, trong vắt nhìn thấy đáy. Mùa đông thì nước ấm như có người nấu vậy, có hôm còn bốc khói nghi ngút. Có lạnh đến mấy dân làng vẫn ra đây tắm bình thường. Nếu nước ở sông Bưởi đục thì nước giếng cũng đục, khiến nhiều người liên tưởng đến tích xưa, rằng rắn thần đã đào một mạch nước ngầm từ sông Ngang (tức sông Bưởi) để dẫn nước về làng.  Năm 1990, trong lúc dân làng tu bổ lại giếng, do sơ ý lấy xẻng dính vôi rửa xuống giếng, khiến cho nước trong giếng sôi sùng sục màu trắng. Hai bên thành giếng nước chao qua chao lại như có sóng ngầm vậy. Cánh thợ phải làm lễ cúng bái thì giếng mới trở lại bình thường. Người dân đặt giếng phía trong là giếng nữ, giếng ngoài là giếng nam. Con gái trong làng được tắm bằng nước giếng, càng lớn da dẻ càng trắng, mịn màng, còn con trai tắm thì ngày càng cường tráng, khoe mạnh. Vì  thế người ta gọi nước giếng là "nước tiên" mà cho đến nay không ai có thể lý giải được.

Giếng thần luôn đầy ắp nước quanh năm.

Để tạ ơn thần rắn đã giúp đỡ dân làng, hàng năm vào dịp đêm giao thừa cả làng Chiềng và người dân vùng lân cận lại tụ tập quanh giếng đốt lửa, hát hò, nhảy múa. Đúng thời khắc giao thừa, người cao niên nhất trong làng dâng một mâm cỗ gồm: Một con gà (phải là gà trống tơ), xôi, hoa quả, một chai rượu… làm lễ cúng giếng thần. Lễ cúng kết thúc, lộc được chia đều cho tất cả những người có mặt. Thế rồi, tất cả người dân tuần tự mỗi người lấy một ít nước từ đôi giếng thần nam và nữ mang về nhà cầu may mắn, để quanh năm được no đầy, hạnh phúc. Những đôi nam, nữ trong vùng, nếu tìm hiểu nhau tại giếng thần thì sẽ kết thành đôi lứa, con đàn cháu đống, hạnh phúc đến răng long đầu bạc.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh