CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:58

Kỳ bí chuyện một phụ nữ nửa đêm ra nằm ngủ trên mặt sông

 

Nửa đêm ra sông nằm trên mặt nước

 Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ làng Thạnh Mỹ, thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, anh Nguyễn Phố (42 tuổi) kể lại sự việc, với nét mặt đầy vẻ lo âu.

 Theo lời kể của anh Phố: Hôm đó, vào khoảng 23h khuya 3/4/2015, anh đang ngủ thì bỗng nhiên thức giấc và phát hiện vợ mình là chị Lưu Thị Phượng (38 tuổi) không nằm bên cạnh như thường lệ. Anh ngồi dậy bật điện trong nhà, ngoài ngõ để tìm, nhưng không thấy chị Phượng đâu. Linh tính có chuyện chẳng lành, anh vội vàng chạy sang nhà mẹ đẻ và chị dâu cạnh đó hỏi, song cũng không ai biết chị Phượng đã đi hướng nào...

 Trước sự việc như thế, anh Phố cố nén bình tĩnh để gọi 7 người khác ở gần nhà chia nhau đi khắp làng để tìm người vợ đã bị mất tích một cách bí ẩn. Đi đến đâu, mọi người đều gọi to tên chị Phượng đến đấy. Khi họ đến gần bờ sông Bà Rén, cách nhà anh Phố khoảng 60m, bỗng từ dưới sông có tiếng chị Phượng trả lời: "Em đây, em đang ở dưới sông đây nè!".

 

Khúc sông Bà Rén, nơi chị Phượng nửa đêm ra nằm trên mặt nước.

Mọi người vội vã chạy về phía phát ra tiếng nói và rọi đèn pin xuống mặt nước sông lờ nhờ trong đêm tối. Qua ánh sáng đèn pin, họ phát hiện chị Phượng đang nằm ngửa trên mặt nước, ở vị trí cách bờ khoảng 10m. Điều này khiến ai có mặt cũng mắt tròn, mắt dẹt kinh ngạc. Vì, khúc sông này sâu từ 9-10m nước, chị Phượng không biết bơi; nhưng lại nằm ngửa và nổi hoàn toàn trên mặt nước như cái bẹ chuối.

 Anh Phố bảo mọi người đứng yên rọi đèn pin để anh bơi ra dìu chị Phượng vào bờ thì đột nhiên chị Phượng la lớn: "Em vẫn nổi, anh đừng bơi ra, nếu bơi ra là em sẽ chìm đó, gọi ghe (thuyền-NV), hay lấy sào để em nắm mà kéo vào đi".

Nghe mẹ lớn tiếng cản ngăn cha mình, con trai đầu của anh Phố và chị Phượng cởi áo định lao xuống nước để bơi ra chỗ mẹ thì chị Phượng tiếp tục hét lên: "Con đừng ra nghe, ra là chết đó".

 Dù nóng lòng muốn cứu chị Phượng, nhưng nghe những lời rành mạch của chị, nên không ai dám xuống nước. Ngay lập tức, một người chạy mang ra cây tre dài để đưa cho chị Phượng bám hòng kéo vào; nhưng thân cây tre lại dài không tới được chỗ chị Phượng.

Túng thế, mọi người gọi sang bờ sông bên kia, nơi có những chiếc thuyền vạn chài đang neo đậu nghỉ, để nhờ cứu giúp. Khoảng 20 phút sau, anh Lê Minh Tuấn (35 tuổi, trú ở thôn Thạnh Hòa, xã Quế Xuân 1, nhà ở bên bờ sông Bà Rén) chèo chiếc xuồng nhỏ từ bờ bên kia sang đến chỗ chị Phượng nằm và dìu chị vào bờ.

Tiếp xúc chúng tôi, anh Lê Minh Tuấn cho biết, hôm đó khoảng 23h30, anh đang thiu thiu ngủ thì bỗng nghe có tiếng kêu cứu. Như một phản xạ tự nhiên, anh thức giấc, vùng dậy chạy ra khỏi nhà. Khi hoàn hồn và xác định được sự việc, anh liền chạy xuống bến sông cách đó 300m lấy xuồng nhắm hướng có ánh đèn pin quét nhoang nhoáng trên mặt nước mà chèo tới.

"Lúc đó, tui thầm nghĩ chắc không cứu được người, vì khoảng cách quá xa; chèo nhanh thì ít nhất cũng phải mất hơn 10 phút mới đến nơi. Thế nhưng, lúc đến nơi, tui vô cùng ngạc nhiên khi thấy chị Phượng nổi lềnh bềnh trên mặt nước, hai tay giang ra. Khi tui bơi xuồng sát vào, chị Phượng nhanh tay bám lấy mạn và bảo tui: "Em ở đây từ lúc tối đến chừ, nhờ có người đỡ chứ không thì chìm rồi".

 

Chị Trần Thị Lợi kể chuyện chị Phượng nổi trên mặt nước.

Tui nghĩ chắc chị Phượng bị mơ ngủ hay mộng du chi, chứ răng mà có chuyện lạ kỳ…". Những bậc cao niên có nhà bên sông Bà Rén nói rằng, từ nhiều đời nay, gia đình họ sống ở khúc sông này nhưng chưa từng chứng kiến trường hợp người nổi trên mặt nước kỳ lạ như chị Phượng cả. Họ còn đoán chắc, ngay cả người bơi giỏi cũng không thể làm được như chị Phượng...

Sau khi được cứu lên bờ, chị Phượng trông có vẻ tỉnh táo, đi lại bình thường. Chị bảo không biết vì sao xảy ra chuyện như vậy; chỉ nhớ từ nhà chị đi ra thì bị rơi xuống nước, tai lùng bùng và sau đó chị lật ngửa nằm trên mặt nước cho đến lúc mọi người đi tìm và phát hiện. Chúng tôi hỏi chị Phượng, lúc chị rơi xuống sông có bị uống nước không, chị cười bảo: "Có uống mấy ngụm, thấy chua chua, sau đó tui có cảm giác như được ai đó đặt tay dưới lưng và tui lật ngửa lên thì không uống nước nữa".

 Rồi chị nói tiếp: "Khi mới xuống nước thấy lạnh, nhưng từ lúc lật ngửa ra thì thấy ấm. Nếu nằm im thì không sao, nhưng hễ nhúc nhích thì nước tràn vào miệng"!.

Quan điểm của các nhà khoa học

Nhiều người nặng về mê tín dị đoan đều xì xầm rằng, chị Phượng bị "ma bắt" dìm nước, nhưng số chết chưa tới nên có người khuất mặt giúp đỡ cho nổi trên mặt sông. Họ còn bảo, khoảng 3 ngày trước khi bị "ma bắt" đưa ra sông Bà Rén, chị Phượng đi xe máy từ nhà ra một công ty tư nhân ở huyện Duy Xuyên để lao động.

Thế nhưng, chị không lái xe đi bên phải như thường lệ mà cứ chạy xe loạng choạng giữa quốc lộ 1A như người say rượu; trong khi xe cộ lưu thông ngược xuôi trên đường nườm nượp. Thế nhưng, các phương tiện tham gia giao thông đều tránh được nên chị Phượng không hề hấn gì…

Không ít người đoán mò, "con ma" bắt chị Phượng là oan hồn của một bé trai 9 tuổi chết đuối ở khúc sông Bà Rén, chỗ chị Phượng nổi trên mặt nước, cách đây đã 10 năm (?!).

 

Anh Lê Minh Tuấn mô tả tư thế nằm nổi trên mặt sông Bà Rén của chị Phượng.

Sự việc chị Phượng diễn ra hôm đó đúng đêm rằm (ngày 15 âm lịch-NV) nên họ nói, oan hồn của cậu bé đã "níu chân" chị Phượng.

Sự việc cũng làm cho nhiều người ở làng Thạnh Mỹ yếu bóng vía bị mất ngủ vì lo sợ. Một số người thường đến khúc sông nọ để câu cá, cũng không dám bén mảng tới gần.

Chị Trần Thị Lợi (44 tuổi, người tham gia tìm chị Phượng) cho biết, việc chị Phượng nửa đêm dậy ra bờ sông là chuyện kỳ lạ mà người bình thường không ai làm. Bởi từ nhà ra sông khá xa và không có lối đi, phải băng qua đám đất trồng đậu, chuối. Ngay sát bờ sông là một rặng tre đầy gai nhọn, lại có hào rộng và sâu do người dân đào để ngăn rễ tre ăn vào đám đậu. Ngày bình thường, chị Phượng không bao giờ đi ra khu vực này; nhưng không hiểu sao chị Phượng lại ra được đó…

Tìm hiểu kỹ sự việc, anh Phố cho chúng tôi hay, chị Phượng bị mắc chứng mất ngủ do thiếu máu lên não. Từ mấu chốt này, chúng tôi tìm gặp một số các chuyên gia y tế và bác sĩ công tác ở tỉnh Quảng Nam, được khẳng định: Chứng mất ngủ có thể dẫn đến bệnh loạn thần, mộng du. Việc chị Phượng chạy xe máy giữa đường, rồi về nhà ngồi niệm Phật, nửa đêm thức dậy đi ra sông… là khả năng chị bị bệnh loạn thần do mất ngủ, từ đó chị không kiểm soát được hành vi của mình.

Chứng minh sự việc rõ ràng, như trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Hải (43 tuổi, trú ở thôn Xuân Phú, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam). Vào khuya 23/10/2014. Trong lúc đang ngủ bỗng dưng anh Hải đi khỏi nhà không ai hay biết. Qua một ngày đêm tìm kiếm, mọi người phát hiện anh Hải đang ở trong khu vực ngôi miếu cổ trên địa bàn xã. Từ đó, nhiều người đồn đại anh Hải bị "ma bắt". Tuy nhiên, khi gia đình đưa anh đến bệnh viện khám thì kết quả các xét nghiệm cho thấy, anh Hải bị bệnh loạn thần. Chính căn bệnh này đã khiến anh Hải hoang tưởng, ảo giác, bỏ nhà đi giữa đêm và không điều khiển được hành vi…

 

Một trường hợp người "tự nổi trên mặt nước" ở Việt Nam.

Các chuyên gia y tế cho rằng, trên thực tế, tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp người bình thường, nhưng có khả năng tự nổi trên mặt nước hàng giờ liền như: Anh Hùng Công Lịnh (33 tuổi, ở ấp Tân Thành A, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), bà Văn Thị Lẻo (75 tuổi, ở ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), ông Hứa Hoàng Cương (52 tuổi, ở ấp Tân Thới B, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)…

Cũng có thể, chị Phượng có khả năng tự nổi trên mặt nước như một số trường hợp trên. Theo suy đoán của các nhà khoa học, cơ bắp của những người tự nổi trên mặt nước có tỷ trọng nhẹ hơn người bình thường. Cấu tạo xương của họ có nhiều khoang xốp hơn, khoang phổi cũng có nhiều phế nang hơn…

Như vậy, hiện tượng "tự nổi trên mặt nước" chỉ là một trong rất nhiều khả năng đặc biệt của con người, không có yếu tố ma quỷ nào ở đây. Người dân không nên hoang mang, hay có hành động mê tín dị đoan, tránh để kẻ xấu lợi dụng gây mất ANTT tại địa phương. Các nhà chuyên môn cũng khuyên gia đình chị Phượng nên đưa chị đến khám tại một bệnh viện chuyên khoa thần kinh để chữa trị kịp thời chứng bệnh mất ngủ, ổn định sức khỏe và tinh thần cho chị…

theo CAND Online

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh