THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:11

Kỳ 2: Tiếp tục cấp giấy phép khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp, ai là người có lợi?

 

Tiếp tục cấp giấy phép khai thác mỏ đá đem lại lợi ích gì?

Theo ông Tân, mỏ đá Tân Đông Hiệp được UBND tỉnh cấp phép bắt đầu hoạt động khai thác và chế biến đá xây dựng từ năm 1996 đến nay đã nhiều lần gia hạn giấy phép, với 4 đơn vị là Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Trung Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3/2 cùng khai thác mỏ đá.

Đợt gần đây nhất là ngày 29/12/2017, Sở TNMT đã có thông báo đến các đơn vị ngừng khai thác vì hết thời gian quy định trong giấy phép. Theo quy hoạch, đến hết năm 2017, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp đóng cửa mỏ, đưa đất sử dụng vào mục đích khác. Đây là cụm mỏ đã được cấp phép khai thác xuống sâu -120m không mở rộng diện tích trên mặt và đảm bảo các yếu tố về an toàn theo quy phạm khai thác mỏ lộ thiên.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, theo kiến nghị các doanh nghiệp khai thác đá tại đây, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương khảo sát thăm dò cụm mỏ đá này xuống cote -150m và giao Sở TN&MT hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Mỏ đá Tân Đông Hiệp được cấp giấy phép hoạt động trở lại và tiếp tục được khai thác xuống -150m, đến cuối năm 2019.

 

Đến ngày 4/9/2018, mỏ đá Tân Đông Hiệp được cấp giấy phép hoạt động trở lại và tiếp tục được khai thác xuống -150m. Theo ông Tân, việc cấp phép này dựa trên 1 nghiên cứu khoa học của nhiều giáo sư, tiến sĩ và "nguồn tài nguyên còn đó, mỏ đá lại có trữ lượng lớn. Nếu anh không khai thác thì nó là 1 cái hồ lớn, có khai thác thêm cũng là 1 cái hồ".

Ngoài ra, trong nội dung giấy phép cấp cho doanh nghiệp khai thác ở Tân Đông Hiệp, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các công ty này thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động, dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Tân - Trưởng phòng tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương) trao đổi với PV những thông tin về mỏ đá Tân Đông Hiệp.

 

Nhưng thực tế trong thời gian qua khi khu vực xung quanh mỏ đá trên Quốc lộ 1K, đoạn qua thị xã Dĩ An luôn trong tình trạng ô nhiễm, bụi bẩn, người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

Lợi ích nhà nước hay vì lợi ích doanh nghiệp?

Liên quan đến vấn đề tiếp tục cấp giấy phép hoạt động đến 2019, ông Tân cho hay, việc cấp giấy phép này nhiều phía đều có lợi, nhà nước có lợi, doanh nghiệp có lợi, người dân cũng có lợi.

Lý giải về những lợi ích từ các bên ông Tân nói: “Việc tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp không chỉ khỏi lãng phí nguồn tài nguyên khoảng sản, mà còn đem lại lợi ích cho nhà nước. Khi các doanh nghiệp khai thác đá hàng năm sẽ tiếp tục nộp thuế cho tỉnh Bình Dương, giúp dân giàu, nước mạnh, bên cạnh đó nhà nước không phải tốn một qũy đất lớn khác để thăm dò khai thác đá mà vẫn có đá tốt để xây dựng các công trình lớn.

Một góc mỏ đá Tân Đông Hiệp nhìn từ trên cao.


Về phía doanh nghiệp được gia hạn tiếp tục khai thác tại mỏ đá này sẽ tận dụng được những máy móc, trang thiết bị đặt ở đây từ trước, không phải mất một số tiền lớn để đầu tư máy móc vào một nơi khai thác mới.

Khi doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sẽ tạo ra công ăn việc làm cho những người dân xung quanh, để họ không bị thất nghiệp, với những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ hàng tháng”.

Nhưng theo tìm hiểu của PV, mỏ đá Tân Đông Hiệp (phườngTân Đông Hiệp – thị xã Dĩ An) nằm sát bên đường Mỹ Phước Tân Vạn chỉ vài chục mét, đây là tuyến đường có lưu lượng xe và phương tiện giao thông qua lại hàng ngày lớn ở Bình Dương, như vậy có an toàn cho người dân mỗi khi lưu thông qua khu vực này? Việc nổ mìn, khai thác vận chuyển liệu có an toàn cho người dân sống xung quanh mỏ đá hay không. Vậy người dân có lợi, nhà nước có lợi, hay lợi ích doanh nghiệp là trên hết? 

 Từ ngày 31/12/2017 đến đầu tháng 8/2018 dì không có giấy phép nhưng các doang nghiệp vẫn hoạt động bên trong mỏ đá chứ không hề đóng cửa mỏ.


Người dân cần sự công bằng.

Chia sẻ thêm với PV, ông Tân cho biết vừa qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương đã tổ chức lấy ý kiến người của 374 hộ dân về việc có nên tiếp tục khai thác mỏ đá hay không và nhận được kết quả gần 93% người dân đồng thuận việc gia hạn mỏ đá.

Tuy nhiên, trong số 374 hộ dân mà tỉnh Bình Dương khảo sát, không hề có bóng dáng của những gia đình thuộc xã Hóa An (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), những người vẫn đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mỏ đá này.

Bà Dương Thị Phượng (tổ phó tổ dân cư 22D, ấp Cầu Hang, xã Hóa An, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, trước đây khi chưa khai thác xuống sâu, mỗi lần các doanh nghiệp tổ chức nổ mìn, các mảnh đá thường bay vào khu dân cư.

Người dân sống gần mỏ đá chỉ cần có sự công bằng, cần để cuộc sống con cháu sau này không phải sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề.

 

"Mỗi lần chuẩn bị nổ mìn bên mỏ đá sẽ hú còi báo động, lúc đó chúng tôi 1 là trốn kỹ trong nhà, 2 là bế con cháu chạy đi di tản ở khu vực xa hơn, không khác gì thời chiến tranh phải chạy giặc.

Nhiều nhà gần mỏ đá bị lủng mái thường xuyên, nhà nào xây chắc đến mấy chỉ mấy lần rung chấn bởi nổ mìn khai thác đá là đều bị nứt. Gần đây mỏ đá khai thác sâu xuống lòng đất sâu hơn thì bớt khói bụi với văng đá, nhưng khai thác ngầm thì khi nổ mìn càng gây chấn động mạnh lắm", bà Phượng cho biết.

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà Phượng, ông Lê Văn Thủy bức xúc cho biết hoạt động khai thác đá tại đây đã khiến cuộc sống của người dân khổ sở nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây.

“Mỗi lần nổ mìn là như động đất. Nhà tôi mới làm mà giờ tường nứt từ ngoài vào trong. Ngày nào đi làm về cả nền nhà phủ dày một lớp bụi đá, xi măng, gạch vữa từ trên tường, trần nhà rơi xuống. Không riêng nhà tôi mà hầu hết các gia đình tại đây đều trong tình trạng tương tự", ông Thủy phản ánh.

Theo bà Phượng và ông Thủy, khi mỏ đá tiếp tục được đưa vào khai thác, những hộ dân thuộc tỉnh Đồng Nai là những người chịu ảnh hưởng nhiều hơn vì sát với khu vực khai thác. Rất nhiều lần bà Phượng cùng người dân ký đơn tập thể gửi lên chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ, xử lý nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.

"Chúng tôi chẳng phải đòi hỏi các doanh nghiệp hỗ trợ. Chúng tôi chỉ cần sự công bằng đối với tất cả mọi người, còn tương lai các cháu sau này nữa", bà Phượng nói.

PHA LÊ - XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh