KT-XH tháng 2: Nhiều chỉ tiêu tăng chậm do ảnh hưởng bởi Covid-19
- Tây Y
- 23:18 - 02/03/2020
Công nghiệp tăng chậm, thương mại dịch vụ và du lịch chịu tác động mạnh
Theo đó, sản xuất nông nghiệp trong tháng chịu tác động của thời tiết diễn biến bất thường mưa đá, mưa rào tại các địa phương phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và lấn sâu ở phía Nam, trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời nên cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển khá. Sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm có dấu hiệu tăng chậm lại, trong đó nuôi cá tra gặp khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Dịch Covid-19 cũng đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, tháng Hai là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công, đồng thời trong các tháng đầu năm hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước nên nhìn chung tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020 (8,3%). Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.
Covid-19 cũng khiến hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 2 tháng kể từ năm 2014 đến nay
Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Xin-ga-po, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020.
CPI 2 tháng đầu năm tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
Quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán, sự chủ động điều hành giá xăng dầu cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 là các nguyên nhân chính để chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bình quân 2 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 5,91% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng bình quân 2 tháng đầu năm cao nhất trong 7 năm gần đây.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 2 là do nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên Đán giảm nên giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, đồ uống, thuốc lá dần trở về mặt bằng giá trước Tết Nguyên Đán.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của COVID-19 khiến cho nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội giảm nên giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm. Một số đường biên giới chịu sự kiểm soát chặt chẽ cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu trái cây của Việt Nam làm cho giá các loại quả tươi, chế biến giảm do nguồn cung dồi dào.
Ngoài ra, giá xăng dầu, giá gas, giá vé tàu hỏa cũng được điều chỉnh giảm
Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm giảm CPI, có một số nguyên nhân làm tăng CPI tháng 2/2020 như dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 1/2020 nên nhu cầu về một số mặt hàng thuốc y tế tăng cao làm nhóm thuốc các loại tăng 0,18% so với tháng trước.
Học sinh, sinh viên được nghỉ học trong tháng 2/2020 nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng cao hơn làm chỉ số giá mặt hàng điện sinh hoạt tăng 0,44%, nước sinh hoạt tăng 0,64%.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của trận mưa lớn, mưa đá vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tại các địa phương miền Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và xâm lấn sâu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng cây trồng làm cho nguồn cung rau xanh giảm, cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá rau trong nước tăng mạnh.
Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với một triển vọng kinh tế tiêu cực dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 2/2020 tăng 2,74% so với tháng trước; tăng 7,23% so với tháng 12/2019 và tăng 20,06% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2/2020 tăng 0,32% so với tháng trước; tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 0,06% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 2/2020 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước; hai tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,1%. Bình quân hai tháng đầu năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá một số dịch vụ tăng.
Đời sống dân cư trong tháng 2/2020 tiếp tục được cải thiện
Theo công bố của Tổng Cục thống kê, tình hình thiếu đói trong nông dân đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, thiếu đói chỉ phát sinh tại Yên Bái với 873 hộ thiếu đói, tương ứng với 3,2 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 3,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 85,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 13,3 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 86,4%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 205,3 tấn gạo.
Công tác an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, kinh phí hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết là 6,5 nghìn tấn gạo.