CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:49

Kontơlok - làng đặc biệt, độc đáo của nước Việt

 

Trẻ con cũng đã thấu hiểu cách sống nhường nhịn, yêu thiên nhiên.

Không một ai phạm tội dù nhỏ nhất

 Ông Đinh Công Hải sống ở làng suốt gần một thế kỷ bộc bạch: Có lẽ đây là một ngôi làng đặc biệt nhất cả nước đấy. Dẫu trải qua bao thăng trầm, có lúc làng chìm trong những khó khăn, mất mùa, thiên tai địch họa. Ấy thế nhưng không hề có một người nào nảy sinh ý đồ xấu là đi trộm cắp hay làm việc phi pháp. Nhớ như in cách đây mấy năm đang độ tháng 3, chưa đến mùa gặt, lúa trong bồ nhà ai cũng cạn. Vậy mà khi thấy một xe tải bị lật bên cạnh làng, bắp đổ đầy đường nhưng không một người nào ra hốt. Người nọ bảo người kia hốt giùm cho chủ xe. Chẳng mấy chốc hàng tấn bắp đã được gom lại, chủ xe rất phấn khởi. Rồi lại thêm cái đợt đói quay quắt vì mất mùa cách đây 5 năm. Các đơn vị thi công đường chạy qua huyện để sắt thép ngổn ngang nhưng người làng không ai đụng đến mà còn ra sức bảo vệ nữa. Trong khi có rất nhiều kẻ xấu đến nhòm ngó muốn ăn trộm còn bị người làng ra đánh đuổi đi ngay.

Làng Kontơlok hiện có 93 hộ, gần 400 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc chung sống như anh em ruột thịt vậy. Chiếm số đông nhất đó là dân tộc Ba na. Lãnh đạo công an xã Vĩnh Thịnh nhận xét: Đúng là ngôi làng đặc biệt thật. Làng nào cũng như thế thì cuộc sống thật yên bình biết bao. Hàng tháng hay hàng quý công an xã xuống làng tuyên truyền về ý thức chấp hành pháp luật và các hành vi có thể dẫn đến phạm pháp nhưng hầu như người dân nào cũng am hiểu thấu đáo hết rồi. Năm nọ trôi qua năm kia, công an xã chẳng bao giờ phải xử lý các rắc rối gì liên quan đến làng cả. Nói đến việc gây rối trong làng, ông Đinh Dứt, Bí thư chi bộ làng cười vang chỉ tay về phía thị trấn bảo: Ở những thị trấn phát triển ấy đâu đó có người gây rối. Hay những nơi khác có, chứ nơi đây bói cũng không ra đâu. Tất cả đều là người hiền cả. Nếu có ai trong làng gây rối thì đó là chuyện lạ mất rồi. Mà trong làng không ai muốn biến mình thành chuyện lạ cả.

Chỉ tay về phía đường quốc lộ, anh Đinh Chung, thanh niên tiêu biểu trong làng tâm sự: “Ngoài đường ấy từng xảy ra nhiều vụ thanh niên nơi khác đánh nhau ở đó rồi. Cuộc sống vốn có nhiều cám dỗ. Nhất là tuổi trẻ thường khó tránh khỏi lúc này hay lúc khác sa ngã. Nhưng chuyện đó xa lạ với mọi người ở đây. Từ thuở lọt lòng chúng tôi đã được người già cho đến những người lớn tuổi trong thôn dạy cách thương yêu, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau rồi. Có thời gian, nhiều đối tượng xấu luôn xem làng là “sào huyệt” để tiêm nhiễm tư tưởng độc hại vào người dân vì thấy ở đây ai cũng hiền. Nhưng, nhờ sự tăng cường giáo dục ý thức chấp hành luật pháp của chính quyền xã, nhất là công an xã và một số lần có cả công an huyện nữa nên chúng tôi luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra nên không có một kẻ xấu nào có thể lôi kéo hay tiêm nhiễm cái xấu vào trong làng này được”.

Lúc nông nhàn phụ nữ ở làng lại dệt đồ truyền thống cho thế hệ sau.

Nhớ lại những đêm thâu quây quần bên nhau để nói về những điều đẹp đẽ nhất, bình yên nhất trong cuộc sống cho những người trẻ ở làng, ông Đinh Dứt thổ lộ: “Khi đã khơi dậy được tình đoàn kết trong khối dân cư thì không có thế lực thù địch nào có thể chia rẽ được. Cùng với nhiệm vụ giữ bình yên trong làng, chúng tôi còn tăng cường tình gắn kết và giao lưu học hỏi với nhiều ngôi làng khác nữa. Các luật tục, hương ước của làng được soạn ra và ai cũng phải thực hiện nghiêm túc”. Chị Đinh Thị Hân cho biết: “Luật tục trong làng mình là: chửi nhau cũng bị phạt, ganh ghét nhau cũng bị phạt chứ chưa kể đến những việc làm khác. Mà đã bị làng phạt thì xem như một sự xấu hổ ghê gớm rồi nên ai cũng ý thức không để cho mình bị phạt gì hết. Đặc biệt, trong làng có một số người Kinh cùng sinh sống với cộng đồng các dân tộc khác nhưng cũng tuân theo luật lệ của làng”. Ông Đinh Dứt quả quyết: “Một trong những lỗi lầm lớn nhất mà làng rất kỵ đó là việc phân biệt dân tộc này với dân tộc kia. Tất cả chúng ta đều là anh em, đều là một khối gắn kết”.

Một lòng thành kính với thiên nhiên

Người Ba na, người Kinh, hay dân tộc khác ở làng Kontơlok đều một lòng thành kính với rừng, với thiên nhiên. Họ bảo nếu làm cho môi trường bẩn, làm cho môi trường ô nhiễm cũng là cái tội. Vậy nên hầu như trong làng lúc nào cũng tinh tươm, sạch sẽ. Còn rừng chính là cái bao tải khổng lồ để bao bọc cuộc sống của con người. Xưa cho đến giờ muốn được vài cây gỗ tạp để cất nhà hay làm các việc lặt vặt phải xin mãi mới được.

Màu xanh ấm no ở trên rẫy của người dân làng Kontơlok.

Rồi nữa, trong những lần lên rừng, lên rẫy dẫu đói đến mấy, nhưng nếu có vô tình thấy con dúi, con sóc đang mang thai thì người dân không bao giờ bắt nó. Nhiều người dân trong làng chung một tâm sự bảo: Nếu thiên nhiên hà khắc, nếu rừng cạn kiệt đi thì cuộc sống sẽ bức bối lắm, khổ ải lắm. Không còn mát lành được nữa đâu. Thế nên ai cũng phải yêu rừng, yêu thiên nhiên. Trẻ con từ tấm bé đã biết yêu rừng, yêu thiên nhiên rồi. Anh Đinh Hy nhiều lần đi rừng gặp sóc, nhưng không dám bắt, kể: “Ở vùng này sóc còn nhiều lắm. Mà sóc ở đây thịt ăn rất ngon. Nhiều lần tôi đi săn gặp hàng chục con nhưng đều về tay không đấy vì những con sóc ấy đều đang có mang cả. Nếu bắt nó là có lỗi với làng, phải để cho nó sinh con nữa chứ. Ai trong làng cũng nghĩ như vậy hết đấy. Nhiều người dân trong làng vẫn còn nhớ và đầy ám ảnh với một sự việc đã diễn ra cách đây ít năm trong xã Vĩnh Thịnh. Đó là cuộc sống đang yên bình bỗng Đỗ Trường Sơn (sinh năm 1985, ở làng khác) phạm tội chiếm đoạt tài sản và sát hại một người già. Câu chuyện ám ảnh ấy được người già ở làng Kontơlok mang về giáo dục cho thế hệ thanh niên. Đó được xem như một tội ác kinh hoàng. Thế nên ai cũng ám ảnh đối với việc phạm tội để mà sống tốt hơn, hiền hòa hơn. Nhiều người già trong làng Kontơlok bảo: Lồng ghép nhiều cách giáo dục và tuyên truyền vào nhau để đạt hiệu quả hơn. Và, đặc biệt là mỗi lứa tuổi ở làng lại có cách tuyên truyền khác nhau nên ai cũng thấu hiểu hết, từ trẻ con cho đến người già. Chia tay làng Kontơlok cũng là lúc mặt trời đang lặn dần sau những quả đồi bạt ngàn màu xanh của hoa màu. Nhiều người già ở làng vẫn nói với theo với giọng quả quyết: Dù là trẻ con trong làng cũng đã biết cách sống hiền hòa rồi nhé. Làng sẽ mãi là nơi yên bình nhất. 

Các buổi hành lễ xin gỗ phải diễn ra trang nghiêm trước hàng trăm người của làng. Những kẻ xấu sẽ không được vào rừng lấy gỗ, như thế sẽ khiến cho cây rừng không tốt tươi lên được. Rừng cũng như sinh thể người ấy, nếu để kẻ xấu bụng vào lấy gỗ, những cái cây tủi thân sẽ không chịu mọc lên nữa. Thế nên người dân nào trong làng cũng đều yêu rừng như một lý lẽ tồn tại cố hữu trong cuộc sống hàng ngày vậy.

HUY HOÀNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh