THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:32

Kon Tum: Dân lội nước trên đường “trăm tỷ”

 

Lội nước trên…cầu

Theo thiết kế, con đường bám lấy tuyến đường cũ (tỉnh lộ 677), tận dụng cầu cũ để lưu thông. Nhưng khi thi công chủ đầu tư là Sở GTVT Kon Tum và các đơn vị tư vấn thiết kế đã không tính đến việc dòng sông Đăk Pxi bị bồi lấp, nước dâng, khiến ý tưởng tận dụng các cầu cũ (cầu Đăk Câu, cầu Đăk Wet) đã trở thành “điểm đen” trên tuyến đường này.

Cầu Đăk Câu, khi chưa thi công mặt cầu cách mặt nước cả mét. Năm 2009, sau cơn bão số 9 nước đã ngang mặt cầu. Vì vậy, người dân mỗi khi qua cầu lại phải lội nước, bất kể mùa nào. Khi mưa đến, lũ về thì nước dâng khiến người dân 5 làng trên gần như bị cô lập. Đỉnh điểm là mùa lũ các năm 2012, 2013, bà con phải dùng 4 cái lốp ô tô ghép lại để qua suối (vì cầu ngập từ 2-3 mét) rất nguy hiểm. Ông Đinh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho rằng: Khi thi công, do không tính đến việc bồi lấp dòng sông nên giờ mặt cầu bằng mặt nước. Hiện cây cầu thường xuyên ngập nước, đặc biệt vào mùa mưa thì ngập sâu. Hàng ngày do mặt cầu bị nước ngập từ 20 - 30 cm khiến việc lưu thông rất bất tiện. Theo anh A Thìn, ở làng Kon Pao, khi mưa xuống, nước lớn, bà con đi rẫy về phải khiêng xe máy qua cầu vì sợ xe chết máy. Vừa rồi có mấy cháu học ở trường Tô Vĩnh Diện dù rất gần nhà lại xin chuyển sang trường Nguyễn Văn Cừ xa hơn, nhưng giao thông thuận tiện hơn. Trước thực trạng trên, 3 năm qua người dân sống quanh khu vực trên đã phải làm một cầu tạm ở cuối con suối. Năm 2013, cây cầu tạm bị cuốn trôi và người dân phải làm lại, vì sợ đi qua cầu Đăk Câu nguy hiểm khi mưa về. Ngày 22/8/2014, khi đánh giá chất lượng của cầu tạm, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Kon Tum (gồm Sở Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Đăk Hà) khẳng định, cầu tạm chỉ đảm bảo giao thông cho người đi bộ. Hiện cầu tạm cũng đã xuống cấp trầm trọng. Mặt cầu bằng ván đóng tạm bợ, một số điểm bị mất ván nên rất nguy hiểm khi di chuyển. Vậy nhưng hàng ngày cầu tạm trên vẫn “cõng” cả trăm lượt người và phương tiện qua lại. Theo quan sát, nếu người dân không qua cầu tạm thì trước khi qua cầu Đăk Câu là phải dừng xe, sang số và phóng thật nhanh qua cầu để xe khỏi chết máy. Trước bức xúc trên, ông Huỳnh Tấn Phục, Giám đốc Sở GTVT Kon Tum cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh sử dụng quỹ bảo trì đường bộ của Trung ương cấp cho địa phương năm 2015, để đầu tư xây mới cầu Đăk Câu. UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo kỹ thuật và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây lắp. Dự kiến cây cầu sẽ thi công vào tháng 9 và hoàn thành cuối năm 2015.

Được thủy điện thì mất đường

Công trình đường giao thông Đăk Côi - Đăk Pxi được đưa vào sử dụng từ năm 2013, nhưng cách cầu Đăk Câu khoảng 1 km có đoạn đường dài hơn 500 m (ngay cầu tràn Đăk Wet cũ) vẫn còn dang dở, trở thành điểm ngập thường xuyên như cầu Đăk Câu.

Phải đến ngày 10/3/2014, công ty mới bàn giao mặt bằng cho Sở Giao thông vận tải. Việc chậm bàn giao mặt bằng khiến việc thi công đoạn đường trên bị gián đoạn, bàn giao mặt bằng khi công trình đã hoàn thành nên đơn vị thi công đoạn này đã rút hết công nhân, máy móc, phương tiện. Từ đó, đoạn này trở thành điểm ngập thường xuyên của cả tuyến. Để xử lý điểm ngập trên, có hàng loạt công văn, cuộc họp từ huyện Đăk Hà đến các sở: Giao thông vận tải, Tài chính cũng như ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để xử lý điểm ngập trên trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Theo ông Huỳnh Tấn Phục, đoạn đường tại cầu Đăk Wet thuộc thôn 4, xã Đăk Pxi thuộc đoạn hoàn trả đường tránh ngập của Thủy điện Đăk Pxi 5. Trước đây UBND tỉnh cho chủ trương Công ty TNHH Đức Thành Gia Lai chỉ làm phần nền, mặt đường giao lại cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của dự án đường Đăk Côi - Đăk Pxi. Tuy nhiên đến ngày 10/3/2014, công ty mới bàn giao mặt bằng. Được biết, nếu lấy tiền từ nguồn vốn dự án đường Đăk Côi - Đăk Pxi để thi công đoạn đường hơn 500 m trên là nhiệm vụ bất khả thi. Hiện tại dự án cũng còn nợ đơn vị thi công gần 27 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay chưa có nguồn trả. Trước thực trạng trên, theo ông Huỳnh Tấn Phục, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh cho đầu tư xây dựng phần mặt đường đoạn tuyến trên bằng nguồn vốn từ quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cấp cho địa phương năm 2016 để dự án được đầu tư đồng bộ.  Như vậy, thủy điện chậm bàn giao mặt bằng, lại gây ngập đường, trong khi dự án cạn vốn nhưng UBND tỉnh Kon Tum vẫn "ưu ái" khi nhận thi công phần mặt đường thay cho… doanh nghiệp.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh