THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:34

Kon Tum phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 3-4% trong năm 2022

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, đa chiều, bao trùm, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo. Giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên môi trường. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia (về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin…), thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em 0-16 tuổi, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Năm 2022, Kon Tum phấn đấu giảm 3-4% tỷ lệ hộ nghèo

Năm 2022, Kon Tum phấn đấu giảm 3-4% tỷ lệ hộ nghèo

Về mục tiêu cụ thể: Tăng cường đầu tư hạ tầng; đẩy mạnh sự kết nối trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 3-4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm từ 6-8%/năm).  Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng toàn tỉnh thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) xuống còn 18,8%; thể thấp còi (chiều cao/tuổi) xuống còn 32,7% vào năm 2022. Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình trong năm 2022 dự kiến là 279 tỷ đồng.

Để thực hiện được các mục tiêu này, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững. Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân và cộng đồng; tuyên truyền, giới thiệu những cá nhân, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Tham gia hoàn thiện chính sách giảm nghèo; thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Huy động và sử dụng các nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo. Ngoài thực hiện nguồn vốn trung ương bố trí; theo dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 177/TTr-UBND ngày 8/10/2021, dự kiến bố trí 30.000 triệu đồng để đối ứng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Sau khi có hướng dẫn, quy định chính thức của Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu theo quy định. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phối hợp, triển khai thực hiện công tác giảm nghèo.

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Dự án 6 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.

MINH ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh