THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:47

Kon Tum: Những người mang hạnh phúc cho cộng đồng

Kon Tum: Những người mang hạnh phúc cho cộng đồng - Ảnh 1.

Một bên đầu cầu đang được thi công

Trong công tác vận động xây dựng nông thôn mới ở xã Tân lập huyện Kon Rẫy ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên vượt qua mọi trở ngại, công tác dân vận người dân đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới cùng chính quyền địa phương đã đi vào chiều sâu. "Đảng viên đi trước làng nước theo sau" đó là khẩu hiệu truyền miệng để vận động người dân làm theo các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trước đây, khi kể về những con đường giao thông tại thôn 6 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) nhiều người lắc đầu ái ngại vì gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao thương bởi con sông Đăk Pne ngăn cách. Người dân ở đây muốn đi ra ngoài địa bàn hay giao thương buôn bán đều phải lội qua sông. Trước đây, người dân thôn 6 ra huyện bằng cây cầu gỗ. Trong một lần trời mưa, đã có 1 người dân trong thôn đi qua cầu gỗ bị rơi xuống sông nhưng may mắn không bị thương. Năm 2015, cây cầu bị đứt đã làm một con trâu rơi xuống sông chết.

Kon Tum: Những người mang hạnh phúc cho cộng đồng - Ảnh 2.

Ông Hùng tự nguyện hiến phần đất của gia đình cho địa phương làm cầu cho dân

Thấu hiểu nỗi khổ của dân, cách đây vài năm, chính quyền địa phương đã làm một cây cầu treo để giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Cầu làm bằng khung sắt, rộng 1,5m, tải trọng 300 kg. Tuy nhiên, bề mặt cầu nhỏ, tải trọng ít nên chủ yếu chỉ có xe máy qua lại và lưu thông một chiều rất bất tiện. Trong khi đó, bên này sông có hàng nghìn hécta hoa màu của hàng trăm hộ dân đang canh tác cũng gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và thu hoạch.

Để vận chuyển nông sản người dân phải chở bằng thuyền qua sông hoặc phải đi đường vòng xa hơn 15km. Thậm chí, khi đến mùa thu hoạch mì, nông sản được thu xong nhưng gặp phải trời mưa liên tục, xe không vào lấy được đành phải để thối trên rẫy.

Trước tình hình trên, UBND huyện Kon Rẫy có chủ trương xây cầu để tiện cho việc đi lại, giao thương, vận chuyển nông sản của bà con. Sau khi nghe chủ trương xây cầu, nhiều hộ dân tại thôn 6 không ngần ngại tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất.

Có thể nói là người tiên phong việc hiến đất làm cầu, ông Nguyễn Ngọc Hùng - thôn 6, xã Tân Lập huyện Kon Rẫy cho biết: "khi chính quyền có chủ trương kêu gọi nhân dân hiến đất xây cầu tôi đã bàn bạc, thống nhất với vợ con rồi tự nguyện hiến đất. Bởi tôi nghĩ, việc làm này mang lợi ích cho người dân trong đó có gia đình mình và cũng là đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, nên gia đình mình có thể hy sinh một chút cũng không sao. Vì vậy, gia đình tôi đã hiến hơn 2.600m2 đất để xây cầu."

Trong câu chuyện xây cầu mà phóng viên đề cập đến, ông Trần Văn Xuyên - thôn 6 xã Tân Lập huyện Kon Rẫy nheo mắt tâm sự: "gia đình tôi và hàng trăm hộ dân trong thôn mong chờ cây cầu này từ nhiều năm nay. Khi biết cây cầu đi qua đất rẫy trồng cà phê của gia đình, sau khi thống nhất, gia đình tôi hiến cho dự án hơn 2.400m2 đất để phục vụ việc thi công cây cầu."

Khi người dân đồng lòng hiến đất làm cầu, mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác. Tự hào về những công dân của mình, ông Đặng Tuấn Tịnh - Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy nhận xét: "sau khi có chủ trương xây cầu, chính quyền xã Tân Lập kịp thời thông báo đến từng thôn và nhận được sự ủng hộ của bà con. Trong đó, 8 hộ dân ở xã Tân Lập tự nguyện hiến 8.200m2 đất ở, đất sản xuất. Đây là việc làm đầy ý nghĩa, trách nhiệm với cộng đồng của những công dân này."

Dự kiến cây cầu bê tông mới sẽ hoàn thành vào năm 2021. Cầu có thiết kết dài 460m, rộng 6m với tổng kinh phí 21 tỷ đồng và được khởi công từ tháng 12/2019. Đây là tín hiệu mừng của xã Tân Lập nói riêng mà là của tỉnh Kon Tum nói chung trong việc vận động người dân làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Và đây cũng là một ví dụ tốt cho việc xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Kon Tum ngày một đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

VĂN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh