Kon Tum: Nhiều điển hình về làm kinh tế giỏi nhờ nguồn vốn Quỹ Quốc gia việc làm
- Bài thuốc hay
- 14:32 - 04/11/2021
Thời gian qua, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kon Tum đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2016 đến tháng 6 năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, phổ biến chính sách vay vốn cho hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 20.000 lượt người tham gia... Kết quả, tính từ năm 2016 đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của tỉnh Kon Tum đạt 301,765 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm 73,973 triệu đồng với 4.202 dự án cho vay của người lao động và đã có 4.202 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nguồn vốn do ngân sách địa phương tỉnh (huyện/thành phố) ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 105,792 tỷ đồng với 3.016 dự án của người lao động và đã có 3.016 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội 122 tỷ đồng cho vay 3.321 dự án của người lao động và có 3.321 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Ngoài ra, đối với chương trình cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh số cho vay từ nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm của tỉnh đạt gần 4 tỷ đồng với 80 người được vay vốn. Trong đó có 30 lao động nữ, 50 lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Như vậy, tính từ năm 2016 đến hết tháng 6/2021, chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia việc làm và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Kon Tum đã giúp 10.619 lao động được vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Nguồn vốn cho vay từ chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Quỹ quốc gia về việc làm đã thực sự tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong tình hình dịch bệnh Covid- 19 đang xảy ra ở các nơi, giúp các hộ nghèo, hộ DTTS trên địa bàn phường có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Từ việc thực hiện chính sách cho vay vốn ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện rất nhiều điển hình về làm ăn kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Điển hình như tổ hợp tác dệt thổ cẩm của chị Y Thoai (thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum). Được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chị Y Thoai đã tận dụng vốn vay hiệu quả để duy trì và mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho các thành viên trong điều kiện dịch bệnh khó khăn. “Được sự tư vấn, giới thiệu của Hội LHPN phường Thắng Lợi, tôi được vay 98 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm. Nhờ nguồn vốn trên, tôi đầu tư để mua nguyên vật liệu, sửa chữa trang thiết bị để duy trì việc dệt thổ cẩm hàng ngày. Hiện tại, tổ hợp tác của chúng tôi gồm 32 thành viên với thu nhập từ 1.500.000 – 3.000.000đồng/người/tháng, tùy vào năng suất. Vì ảnh hưởng dịch bệnh, tuy thu nhập không cao như trước đây, nhưng duy trì được hoạt động của Tổ hợp tác và tạo được việc làm cho các thành viên trang trải cuộc sống, giữ được nghề truyền thống là tôi thấy vui lắm rồi. Nếu được, tôi vẫn muốn được NHCSXH nâng hạn mức cho vay và gia hạn thêm thời gian vay để có điều kiện tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất”, chị Y Thoai cho biết
Thời gian tới, Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt và đăng ký tham gia khi có nhu cầu; tăng cường chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn thực hiện tốt công tác tư vấn, giám sát nguồn vốn vay để tăng hiệu quả sử dụng vốn, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.