Kon Tum: Đến năm 2025, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 35%
- Dược liệu
- 15:27 - 21/12/2022
Theo đó, Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể. Nhóm mục tiêu 1: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em. Đến năm 2025: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 35%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 19%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 25,4%. Đến năm 2030: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 33%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 17%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 7%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 23,4%.
Nhóm mục tiêu 2, nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ. Đến năm 2025: Trên 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và trên 25% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; trên 50% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; trên 50% bà mẹ cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách. Đến năm 2030: Trên 85% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và trên 30% bà mẹ cho trẻ mẹ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 60% bà mẹ cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra một số giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu: Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành; thông tin, truyền thông và vận động thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; triển khai đồng bộ các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật; bố trí nguồn lực thực hiện các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; theo dõi, giám sát và đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Trong đó, Ban Dân tộc thực hiện việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chế độ dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, từ bỏ các phong tục tập quán lạc hậu để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe bà mẹ, trẻ em; phối hợp với Sở Y tế, UBND huyện, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện một số mô hình triển khai điểm về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại xã đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Các Sở, ban ngành có liên quan theo chức năng phối hợp Sở Y tế triển khai thực hiện.
UBND tỉnh đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn và vận động hội viên và gia đình hội viên thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng đối với phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi, chú trọng các nội dung như chăm sóc bà mẹ trước sinh, tư vấn, hướng dẫn cho con bú sữa mẹ, bổ sung vi chất, thực hiện dinh dưỡng hợp lý. Thực hiện có hiệu quả các mô hình phòng chống suy dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề nghị Tỉnh đoàn Kon Tum chủ trì, phối hợp với ngành Y tế đề xuất mô hình sinh hoạt chuyên đề dinh dưỡng cho đoàn viên, thanh niên mới lập gia đình, sắp lập gia đình, đoàn viên có con dưới 2 tuổi trong các tổ chức cơ sở đoàn để tuyên truyền, vận động, tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ dưới 2 tuổi…