Đại công trường ‘vàng tặc’
- Dược liệu
- 14:26 - 24/05/2015
“Họ làm cả ngày, chẳng ngán ai”
Ngỏ ý muốn xâm nhập các bãi vàng sa khoáng ở xã Đăk Long, chúng tôi nhờ người quen ở địa phương dẫn đường. Hàng loạt bãi vàng nằm sát đường, chụp ảnh, quay phim thoải mái nhưng “để tránh phiền phức thì nên dùng điện thoại di động”. Từ đường Hồ Chí Minh, chúng tôi ngược theo tuyến đường liên xã Đăk Môn - Đăk Long chừng 15 km là đến thôn Đăk Ác, xã Đăk Long. Vừa đến đầu thôn đã nghe tiếng máy nổ ầm ầm từ con suối Đăk Long vọng lên. “Đó là tiếng máy khai thác vàng, họ làm cả ngày, chẳng ngán ai”, người dẫn đường giải thích. Đứng trước một bãi vàng cách đường chừng 100 m, chúng tôi thấy có khoảng chục người đang hì hục điều khiển cỗ máy dùng vòi phun nước thẳng xuống hố vàng để rửa trôi; một vòi khác thì cắm sâu xuống lòng suối, hút cả đất, đá, cát từ lòng suối để phun lên một sàng lọc. Người dẫn đường bảo đó là bãi vàng của ông A.J, quê xã Đăk Kroong, H.Đăk Glei. Quanh năm, ông A.J đi mua ruộng, rẫy của người dân xã Đăk Long rồi đưa máy móc và đội quân đến đây khai thác vàng nên người dân xã Đăk Long không lạ gì A.J nữa.
Đi sâu vào thôn Đăk Ác khoảng 1 km, chúng tôi còn chứng kiến 5 điểm khai thác vàng sa khoáng nữa trên dòng suối Đăk Long, trong đó có đến 4 điểm đang hoạt động, máy móc nổ ầm ầm chẳng khác gì các công trường đang hối hả làm việc. Trong vai người đi sửa máy móc cho các xe xúc, xe ủi ở đây, chúng tôi tiếp cận bãi vàng của A.Ph. Nhìn hố sâu chừng 4-5 m đang có 5 người đàn ông dìm người múc đất, tôi hỏi A.Ph khai thác có được chính quyền cho phép không? A.Ph bảo: “Đất mình mua lại của dân rồi khai thác, cứ 1 sào (1.000 m2) giá 60 triệu đồng”. “Có đóng thuế cho xã không?”, “Có chớ”, A.Ph nói. Đến các thôn Vai Trang, Đăk Ôn, nơi nào cũng thấy “vàng tặc” ngang nhiên hoạt động, dường như chẳng sợ gì. Dọc theo các con đường về các làng của xã Đăk Long, các dụng cụ khai thác vàng như: ống, máy nổ, sàng lọc... để đầy trước những nhà dân.
Doanh nghiệp phải mua lại diện tích của “vàng tặc”
Ông Nguyễn Văn Cường, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty cổ phần thép Đông Á chi nhánh Kon Tum, cho hay năm 2011 công ty ông được cấp phép khai thác khoáng sản ở suối Đăk Long nhưng bị các chủ bãi vàng và người dân chiếm đến 40% diện tích do công ty quản lý. Dù vậy, để tránh rắc rối, công ty phải vận động, thương lượng với các chủ bãi vàng. Cụ thể như 2 sào đất mà A.Ph đang khai thác, công ty muốn mua lại với cả máy móc khai thác vàng, phải bỏ ra 500 triệu đồng.
“Vương quốc vàng tặc”
Những ngày ở “vương quốc vàng tặc”, chúng tôi tìm hiểu và biết công “khai khẩn” vàng sa khoáng nơi này là một người tên C., quê Ninh Bình. Từ năm 2008, C. đến đây, lấy vợ người địa phương tên Y.B rồi bắt đầu khai thác vàng. Ban đầu, C. cùng vợ khai thác ở những ruộng lúa, rẫy của gia đình dọc theo suối Đăk Blọc, thuộc thôn Đăk Ôn, rồi dần dần vươn vòi ra các dòng suối Đăk Tu, Đăk Long. Từ đó đến nay, những con suối này quanh năm đục ngầu, nham nhở do hậu quả của khai thác vàng sa khoáng. Sau khi C. bị tai nạn chết, Y.B và gia đình tiếp tục tổ chức khai thác vàng, “cát cứ” nguyên khu vực hồ chứa nước Long Yên
Hiện Y.B có 20-30 người làm việc, với 4-6 dàn máy hút, đãi vàng; ngoài ra còn có 4-5 nhóm phụ thuộc qua hình thức Y.B đứng ra mua đất của dân để khai thác vàng. Ngày thường, Y.B cho người ngồi ở các quán xá dọc đường vào hồ Long Yên, nếu thấy bóng dáng báo chí, cơ quan chức năng đến đây là báo tin. Nghe chúng tôi nhờ dẫn đường vào bãi của Y.B, anh bạn người địa phương liền xua tay: “Không nên đâu, vì nguy hiểm lắm”. Cùng với Y.B, hàng loạt “vàng tặc” có máu mặt sống ở các địa phương khác cũng đến đây khai thác vàng sa khoáng. Hằng ngày, các chủ bãi vàng chia quân đi đến các làng để gạ mua đất rẫy, ruộng của dân với giá 60 triệu đồng/sào. Vì thế, có thời điểm chuyện mua, bán đất để khai thác vàng cứ như chợ trời. Trong đó, có thể điểm mặt vài cái tên như K. (quê Kim Sơn, Ninh Bình), T. (TT.Đăk Glei)... T. là nhân vật từng có tiền án, tiền sự, hiện đang đứng phía sau bãi vàng ở suối Đăk Tu. Những khi có đoàn của cơ quan chức năng đến truy quét, T. không ra mặt mà đứng sau kích động. Hôm đến bãi vàng này, chúng tôi chứng kiến rất nhiều xe máy của người làm thuê cho T. để dọc trên sườn đồi, bên dưới còn có lán trại hẳn hoi để nghỉ ngơi. Bãi vàng của T. hoành tráng, chuyên nghiệp hơn nhiều so với các bãi vàng ở suối Đăk Long và suối Đăk Blọc.
Ngoài những cái tên đình đám nói trên thì trong đội quân “vàng tặc” còn có sự tham gia của người nhà cán bộ thôn và xã (xã Đăk Long). Trưa hôm ấy, đến một bãi vàng phía sau nhà của ông A.X, vốn là cán bộ chủ chốt của xã Đăk Long, một cán bộ xã Đăk Long cho biết ông A.X không trực tiếp khai thác vàng nhưng con trai là A.Th và con rể là A.N trực tiếp làm. Hoặc như ông A.Đ, một bí thư chi bộ thôn, rồi ông A.Tr, một trưởng thôn, cũng cho con đi khai thác vàng. Vị cán bộ xã Đăk Long còn đặt nghi vấn: “Không loại trừ các cán bộ này có hùn tiền mua máy, phương tiện để cho người nhà tham gia khai thác vàng ở đây. Nghe nói, nếu làm ăn được 10 thì họ chia theo tỷ lệ 3-3-4. Nghĩa là, người có đất hưởng 3 phần, người có máy móc hưởng 3 phần, còn người có lao động hưởng 4 phần (?)”.
Băm nát ruộng, rẫy
Đi dọc các tuyến đường vào các làng ở xã biên giới Đăk Long, chúng tôi xót xa khi thấy nhiều cánh đồng lúa hoang vu, lồi lõm do nạn khai thác vàng để lại. Ông A Hiêng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Xã đội trưởng Đăk Long, cho biết: “Không chỉ có ruộng lúa, mà nhiều hộ dân ở đây còn chặt và bán cả rẫy cà phê để khai thác vàng. Hàng chục ha đất sản xuất đã bị băm nát, không thể nào sản xuất được nữa”.
Dư luận ở đây đặt câu hỏi, vì sao nạn khai thác vàng rầm rộ công khai giữa ban ngày, có nơi gần Đồn biên phòng 673 (chỉ trên dưới 1 km), cả hệ thống chính trị của xã Đăk Long với công an, dân quân mà vẫn không ngăn chặn được? Theo ông A Hiêng, xã đã nhiều lần tổ chức truy quét, nhưng sau khi tịch thu máy móc lại cho “vàng tặc” lấy máy móc về, chỉ làm kiểm điểm, cam kết không tái phạm nữa. Còn với người nhà các cán bộ thôn, xã tham gia khai thác vàng, chính quyền xã Đăk Long cũng chỉ kiểm điểm rồi thôi, đâu lại vào đấy.Làm việc với PV ông A Phương, Phó chủ tịch UBND H.Đăk Glei, nói “vàng tặc” rất manh động, sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng. Gần nhất là ngày 16.4, đích thân ông Phương đưa 40 cán bộ của đoàn liên ngành (không lấy lực lượng tại xã Đăk Long) đến truy quét tại điểm khai thác vàng xung quanh hồ Long Yên. Ban đầu, “vàng tặc” bỏ trốn, không dám chống đối, nhưng khi đoàn tịch thu, đưa máy móc khai thác vàng trái phép lên xe tải để chở về huyện thì 20 người do Y Bông, A Bi cầm đầu đã ngăn chặn, tấn công đoàn. Nhóm người này dùng cây, gậy đánh, xua đuổi lực lượng chức năng, rồi cướp lại tất cả máy móc, đập móp thùng xe tải. Đó là chưa kể, trước đây lực lượng chức năng khi truy quét (ở thôn Đăk Ôn) cũng bị “vàng tặc” dùng hung khí rượt đuổi; rồi đoàn liên ngành truy quét tại làng Đăk Tu thì bị “vàng tặc” kích động dân ra đánh, đập phá xe và bắt trói 3 cán bộ, sĩ quan bộ đội…
Đặt vấn đề, phải chăng phía sau các bãi vàng có thế lực nào đang “bảo kê” nên mới hoạt động ngang nhiên nhiều năm liền, ông Phương cho hay UBND H.Đăk Glei cũng có nghe dư luận này, nhưng là ai thì chưa biết. “Đoàn truy quét liên ngành đã có văn bản đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei chỉ đạo Công an huyện khẩn trương điều tra và khởi tố vụ chống người thi hành công vụ ngày 16.4 vừa qua. Sắp tới, huyện sẽ có cuộc họp bàn các biện pháp tối ưu để triệt phá triệt để tình trạng khai thác trái phép vàng sa khoáng ở xã Đăk Long”, ông Phương nói.