THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:50

Kinh tế xã hội có sự chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát

 

Tập trung xây dựng thể chế, không có khoảng trống pháp lý

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành 1,5 ngày, để tập trung xây dựng thế chế. Đó là thảo luận 5 dự thảo luật, một nghị định, một pháp lệnh và một số văn bản khác với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ kiến tạo, tập trung ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế hay nói khác là không có khoảng trống pháp lý. Đây là vấn đề thượng tôn pháp luật và lấy việc hoàn thiện thể chế để quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

 

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Về quy chế làm việc của Chính phủ, có thể nói đây là nghị định rất quan trọng quy định tổng thể công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quy định trình tự thủ tục và cách làm, xác định rõ trách nhiệm. Trong đó quan tâm vấn đề cải cách hành chính và đến quy trình giải quyết, đặc biết hết sức quan tâm đến vấn đề thẩm quyền giải quyết. Có ý kiến cho rằng họp nhiều; vậy phải xử lý bằng việc xác định công việc, giải quyết đúng thẩm quyền, xác định trách nhiệm của cá nhân các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, từ đó các công việc sẽ được giải quyết theo đúng thẩm quyền và không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đẩy việc lên Chính phủ. Đây chính là nghị định khung để các bộ có nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, khắc phục sự giao thoa, khiếm khuyết, khắc phục những bất cập trước đây còn để những khoảng trống và không rõ trách nhiệm.

Vấn đề kiểm tra tại các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng chỉ rõ đây là vấn đề và cách làm mới, bước đầu chứng tỏ hiệu quả, nhấn mạnh tinh thần của Thủ tướng là nói đi đôi với làm, khắc phục tình trạng như ĐBQH nêu: “Khoảng cách xa nhất của chúng ta là khoảng cách từ lời nói đến hành động”. Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng và trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, theo dõi các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (có cả các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ) giao cho các bộ, ngành, địa phương đúng thời hạn, đúng chất lượng. Từ đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận xem bộ máy thực sự chuyển động có hướng về người dân và DN hay không? Tinh thần của Thủ tướng là muốn chuyển tải tư tưởng này tới tất cả hệ thống chính quyền các cấp, muốn chuyển động cả hệ thống chứ không phải chỉ Chính phủ, thành viên Chính phủ, chuyển động từ bộ, tỉnh tới huyện, xã để tạo chuyển động mạnh mẽ. Thủ tướng yêu cầu sắp tới tiếp tục kiểm tra các bộ, ngành, địa phương còn nợ đọng nhiều nhiệm vụ và tinh thần chỉ đạo là cũng kiểm tra ngay tại VPCP, làm rõ trách nhiệm, công khai khuyến khích những nơi làm tốt, phê bình những nơi chậm trễ, từ đó chấm dứt tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ.

Về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, sửa 12 luật trong đó xử lý nhiều vấn đề chồng chéo giữa các luật, tháo gỡ những vướng mắc cho DN. Về Luật Hỗ trợ DNNVV, đây là vấn đề mới, khó và quyết tâm của Chính phủ là sẽ có 1 triệu DN vậy thì DN tư nhân, DNNVV là những cơ sở nền tảng cho sự phát triển kinh tế của xã hội. Từ đó việc xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV là rất cần thiết nhưng phải bảo đảm một số yêu cầu. Đó là hỗ trợ đúng luật và tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường; chúng ta đưa ra luật để hỗ trợ trực tiếp cho DN, làm sao thúc đẩy, kích thích, động viên và quan trọng nhất là tạo niềm tin của DN, người dân đối với Chính phủ, để họ có cảm hứng, có sự khích lệ, tin tưởng, bắt tay thành lập, đầu tư, kinh doanh và yên tâm với một nền tảng pháp luật trước sau như một. Đây là lòng tin của người dân.

Kinh tế xã hội có sự chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát

Tại phiên họp Chính phủ thống nhất nhận định tình hình KT-XH tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, cán cân thương mại tích cực, xuất siêu 2,45 tỷ USD và rất mừng trong 8 tháng số DN đăng ký, số vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ rất nhiều, trong đó có vốn của các DN nước ngoài (FDI).

Nông nghiệp phục hồi khá, xuất khẩu nông lâm sản tiếp tục tăng 5,4%. Cùng kỳ cao hơn (10%) nhưng do đầu năm chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn của hạn hán miền Trung, xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Điều rất đáng mừng là với quyết tâm nỗ lực hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nên niềm tin của cộng đồng DN và nhân dân được khôi phục một bước rất quan trọng, cải thiện mạnh mẽ, tạo không khí phấn khởi, thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2016. Chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh giảm các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2016, mà quyết tâm thực hiện một cách tích cực nhất.

Trong những chỉ tiêu của 8 tháng năm 2016, một số chỉ tiêu rất đáng mừng là sản xuất công nghiệp tăng 6,9% trong khi ngành khai khoáng giảm 3,8%. Chỉ số CPI tăng 1,91%, lạm phát 8 tháng tăng 1,81% và vẫn được kiểm soát tốt, xuất khẩu 8 tháng tăng 5,5%. Đặc biệt thu ngân sách có cố gắng tích cực nên 56 tỉnh, thành phố thu ngân sách đạt 70%. Rất mừng là số DN đăng ký tăng rất lớn.

Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng chỉ rõ trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ còn lại của năm 2016 là hết sức nặng nề. Và Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải quyết tâm hành động, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là cương quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Phải tạo chuyển biến cơ bản về tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh cả hệ thống chúng ta phải có khát vọng chuyển biến tình hình, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Khi đi làm việc với các tỉnh, thành phố, địa phương, Thủ tướng nói rằng đảng bộ và nhân dân các địa phương đều phải có khát vọng về tăng trưởng, có khát vọng về phát triển; nếu người lãnh đạo ở địa phương mà không có khát vọng thì không thể phát triển được. Có khát vọng mới đầu tư suy nghĩ, tìm tòi, dám làm, dám chịu và sáng tạo trong điều hành, vận hành. Đây có thể nói là tư tưởng rất quan trọng đối với lãnh đạo các địa phương.

Liên quan đến tình hình KT-XH, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo chuyên đề về tình hình và giải pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công như công sở, xe công… Đây là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới phải có những giải pháp mạnh mẽ mang tính cách mạng để người dân thấy rằng Chính phủ sử dụng tài sản công hiệu quả nhất vì đây là mồ hôi, công sức, tiền thuế của người dân.

Sử dụng tiết kiệm tài sản công

Phiên họp Chính phủ tháng 8 cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng tiết kiệm tài sản công, trong đó có vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm công, sử dụng trụ sở, sử dụng xe công. Tinh thần là sẽ có những chỉ thị, văn bản quy định siết chặt các đối tượng được sử dụng xe công, các đối tượng được xe đưa đón và không dùng xe công vào việc riêng. Hôm kia trường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng cũng nghe vấn đề thoái vốn một số DN Nhà nước. Thủ tướng có nói rằng Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa hay nói cách khác là việc đó Chính phủ hay NN không cần nắm giữ mà tư nhân, DN trong và ngoài nước làm tốt hơn thì để cho DN tư nhân làm còn Nhà nước dành tiền đầu tư những dự án then chốt, có sự quyết định tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tinh thần là phải niêm yết trên sàn chứng khoán, dựa trên tư vấn để chúng ta đưa ra một giá khởi điểm đấu thầu công khai, minh bạch với sự giám sát của người dân. Chúng ta chỉ cần làm sao vẫn giữ được thương hiệu, làm sao thu được lợi ích cao nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước, để cho thấy rằng đồng tiền được sử dụng hiệu quả, minh bạch và người dân được hưởng lợi nhiều nhất.

Vũ Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh