THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:23

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo

6 tháng: GDP cả nước tăng 6,76%

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%. Tăng trưởng quý II/2019 thấp hơn tăng trưởng quý II/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý II các năm 2011-2017. Trên góc độ sử dụng GDP quý II năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,54%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,38%.

“GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng“,ông Nguyễn Bích Lâm nói.

 

Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội 6 tháng


Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018; ngành lâm nghiệp tăng 4,15% . Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13%, . Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11,18%.  Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,78% . Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ 7,85%,.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,69%, tuy thấp hơn mức tăng 6,89% của 6 tháng đầu năm 2017 và năm 2018 nhưng cao hơn các năm 2012-2016. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,09% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,9%, ; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,48%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,43%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,89%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,55% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,2%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,21% (Cơ cấu tương ứng cùng kỳ năm 2018 là: 14,13%; 33,83%; 41,8%; 10,24%).

Đời sống dân cư, an sinh xã hội được đảm bảo

Theo công bố của Tổng Cục thống kê, năm 2018 tỷ lệ nghèo đa chiều là 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017, đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược giảm nghèo quốc gia. Xu hướng giảm này ở cả thành thị, nông thôn và các vùng kinh tế, đây cũng là kết quả tích cực của công tác xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.

 

Bức tranh kinh tế- xã hội của cả nước có nhiều chuyển biến tích cực


Đời sống dân cư 6 tháng đầu năm 2019 nhìn chung được cải thiện, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã có những tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học được đầu tư xây dựng mới, cải tạo đạt chuẩn, các chương trình hỗ trợ giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo… đã góp phần giúp người nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 4.402 xã (đạt 49,4%) và 76 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Thiếu đói trong nông dân giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Sáu, cả nước có 1,7 nghìn hộ thiếu đói, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 6,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 44,7%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có 65 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 261,9 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 30%. Thiếu đói trong 6 tháng đầu năm nay xảy ra chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai và Đắk Lắk. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 3,7 nghìn tấn lương thực.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 4 nghìn tỷ đồng, bao gồm 2,2 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1,2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và gần 0,7 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có gần 19 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

CPI 6 tháng tăng bình quân thấp nhấp trong 3 năm gần đây

Theo công bố của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu đã giảm 0,09% so với tháng Năm và chỉ tăng 1,41% so với tháng 12/2018.

Như vậy, bình quân 6 tháng của năm CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ và là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây (năm 2017, 2018 lần lượt tăng 4,15% và 3,29%). Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 1,87% so cùng kỳ năm 2018.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh