Kinh tế Trung Quốc "ngấm đòn" Covid-19: Từ sản xuất, bán lẻ đến đầu tư đều lao dốc kỷ lục
- Huyệt vị
- 20:04 - 16/03/2020
Trong những tháng đầu năm 2020, kinh tế Trung Quốc đã trải qua cú sụt giảm mạnh hơn so với nỗi lo sợ của các nhà phân tích vì virus corona khiến các nhà máy, cửa hiệu, nhà hàng trên khắp đất nước phải đóng cửa. Những số liệu mới nhất về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới càng nhấn mạnh thêm mối nguy mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt khi mà giờ đây virus đã lây lan ra khắp thế giới.
Tháng 1 và tháng 2, sản lượng công nghiệp giảm 13,5% so với 1 năm trước, so với con số dự báo giảm 3% được đưa ra trước đó. Doanh số bán lẻ giảm 20,5% trong cùng kỳ, so với dự báo 4%. Đầu tư tài sản cố định cũng sụt 24,5%, so với con số dự báo 2%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục 6,2%.
Gần như 100% khả năng GDP Trung Quốc sẽ suy giảm trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra kể từ năm 1989.
Một loạt chỉ số kinh tế của Trung Quốc lao dốc trong 2 tháng đầu năm 2020. Nguồn: Bloomberg.
"Covid-19 khiến nền kinh tế ngừng lại, từ các nhà máy cho đến chi tiêu", theo Iris Pang, chuyên gia của ngân hàng ING Bank ở Hồng Kông. "Vì virus corona gần như đã có mặt ở khắp mọi nơi, lực cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang bị giáng 1 đòn mạnh, và sẽ được phản ánh trong số liệu sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 và tháng 4".
Từ chỗ là bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán, Covid-19 trở nên tồi tệ trong tháng 1, khiến Trung Quốc phải phong tỏa cả tỉnh Hồ Bắc, kéo dài kỳ nghỉ Tết nguyên đán và hạn chế các hoạt động đi lại cũng như kinh doanh trên cả nước. Hầu hết các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã ngừng lại trong tháng 2, dù mới trở lại ổn định trong tháng 12 sau một thời gian giảm tốc.
Mặc dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty và người dân đang dần quay trở lại công việc kể từ đầu tháng 3 đến nay, nền kinh tế vẫn chưa thể quay trở lại bình thường.
Trong khi các tỉnh thành của Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác đang dần kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, virus corona đang lây lan nhanh chóng ở châu Âu, Mỹ và các phần khác của thế giới. Điều đó tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, kéo dài những thiệt hại.
"Trung Quốc đang chạm đáy. Nhưng tiếp theo sẽ không phải là 1 cú phục hồi theo hình chữ V", Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng ANZ ở Hồng Kông nói.
Cuối tuần trước, NHTW Trung Quốc đã hành động để hỗ trợ nền kinh tế, cung cấp thêm nguồn tín dụng cho các ngân hàng bằng cách cắt giảm tỷ lệ tiền mặt mà họ cần phải dự trữ tại NHTW. Trung Quốc vẫn tránh hạ lãi suất cho vay trung hạn giống như Mỹ. Nhiều khả năng chí ít thì ở thời điểm hiện tại Trung Quốc vẫn sẽ giữ cách tiếp cận có mục tiêu cụ thể thay vì giảm lãi suất trên diện rộng, bất chấp các dữ liệu kinh tế khá xấu.
"Rõ ràng là virus corona gây ra cả cú sốc cung và cú sống cầu, tác động đến cả lực cầu nội địa và ở nước ngoài, gây ra cả áp lực lạm phát và giảm phát. Do đó, chúng tôi không kỳ vọng sẽ sớm có gói kích thích quy mô lớn, nhưng Trung Quốc vẫn sẽ ở trong chu kỳ cắt giảm lãi suất", chuyên gia kinh tế trưởng Larry Hu của Macquarie Group nhận định.