THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:34

Kinh tế tăng trưởng đột phá và ấn tượng

 

12/13 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, qua đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, trong số 13 chỉ tiêu đã được thông qua, có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm ba chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội; gồm tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (số đã báo cáo là 6,7%), tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% (số đã báo cáo là khoảng 4%) và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,51%, riêng các huyện nghèo giảm 5% (số báo cáo lần lượt là 1-1,5% và 4%). 
Có một chỉ tiêu không đạt kế hoạch so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP, chỉ đạt 0,5% (số đã báo cáo và mục tiêu kế hoạch là 1,5%). Nguyên nhân là do chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Quốc hội không yêu cầu đặt mục tiêu và đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này hằng năm, chuyển sang đặt mục tiêu và đánh giá chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm. 
Như vậy, so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, có 12/13 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (4 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch), 1 chỉ tiêu không đạt kết hoạch. 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân.
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra, các đại biểu cơ bản nhất trí cho rằng, nhìn lại năm 2017, kết quả nổi bật nhất là kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều và khởi sắc trên các ngành, lĩnh vực, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, cao nhất trong bảy năm gần đây; các ngành dịch vụ đạt khá; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới... Điều này thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô, chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt. 
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông, lâm và thủy sản tiếp tục giảm, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng, trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tín dụng tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước vượt mục tiêu đề ra. Bội chi ngân sách khoảng 3,48% GDP, thấp hơn số Quốc hội đã thông qua là 3,5% GDP. 
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề xuất khẩu có những chuyển biến tích cực, năng lực cạnh tranh tăng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 đã tăng lên... 
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, hơn một năm qua với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là những hành động đi sâu vào xử lý những "điểm nghẽn," những "nút thắt," các điểm yếu, nền kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng rõ nét, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 ở mức rất cao. 
Áp lực lạm phát còn tiềm ẩn, việc quản lý tài sản công chưa chặt chẽ
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua từng năm. Tuy nhiên, nếu tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực với mức chênh lệch ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN là tăng trưởng tiếp tục dựa vào chiều rộng, chủ yếu nhờ đóng góp của yếu tố tăng vốn đầu tư và tăng năng suất lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp, năm 2017 đạt mức 45,19%... 
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ kinh tế quý 1/2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% đem lại kỳ vọng lớn, nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong ba quý còn lại của năm, nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước, quý sau cao hơn quý trước. Ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương là các cực tăng trưởng của đất nước.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn. Trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, còn khó khăn, vướng mắc như chưa có sự gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải “giải cứu” nông sản; công tác dự báo, thống kê chưa đáp ứng yêu cầu chủ động, từ xa, mang tầm chiến lược; giá trị gia tăng của sản phẩm một số ngành công nghiệp tăng chậm, chưa tham gia nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế... 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị xem lại quản lý tài sản công và đất công

Ngoài ra, trong báo cáo thẩm tra,  Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh đến  việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự.
Cơ quan này đề nghị báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí; bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trong quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước.
“Đề nghị tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này” – cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị xem lại quản lý tài sản công và đất công, nhất là ở những thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và kiểm tra xử lý rốt ráo tình trạng đầu cơ, trục lợi tăng giá đất ở một số nơi như 3 địa phương dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế…

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh