CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:18

Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP với năng suất lao động tăng trên 7%/năm vào năm 2025

Phấn đấu Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu: Top 3 ASEAN

Chiến lược được xây dựng nhằm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TW, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số. 

Phát triển nhanh và bền vững dựa trên KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ 4 đặt nhiều mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, nâng cao chất lượng môi trường thể chế kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng KHCN nhằm duy trì xếp hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc top 3 trong khu vực ASEAN.

Đáng chú ý, mục tiêu sẽ vào top 50 nước dẫn đầu về chỉ số chất lượng pháp luật và đến năm 2030 thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu.

Mục tiêu đưa Việt Nam vào top 60 nước đứng đầu trụ cột thể chế trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF; Nhóm 40 nước đứng đầu về Chỉ số an ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU). 

Đến năm 2030, Việt Nam phải nằm trong top 40 bảng xếp hạng của WEF và top 30 nước đứng đầu về Chỉ số an ninh mạng toàn cầu của ITU.

Đến 2025, đạt tối thiểu 20% số doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của CMCN 4.0. Trong các ngành ưu tiên, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của CMCN 4.0 đạt tối thiểu 30%. 

Dự thảo cũng đặt rõ mục tiêu đưa kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP với năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt ít nhất 1,5% GDP.

Đến 2030: kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP cả nước

Đến năm 2030, kinh tế số phải chiếm khoảng 30% GDP cả nước; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm và tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt ít nhất 2% GDP.

Đồng thời, phát triển lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng 90% nhu cầu của doanh nghiệp về lao động có kỹ năng cần thiết cho việc chuyển giao và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0, nhất là kỹ năng CNTT vào năm 2025.

Về mục tiêu hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; hoàn thiện hạ tầng kết nối, kỹ thuật số và chia sẻ dữ liệu, dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu thuộc top 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc;

Đồng thời, trụ cột ứng dụng CNTT trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thuộc nhóm 30 nước đứng đầu.

Ngoài ra, đến năm 2025, Việt Nam đảm bảo Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; 90% người dân sử dụng Internet; 100% các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm.

Đến 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; Trụ cột ứng dụng CNTT trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF phải thuộc nhóm 20 nước đứng đầu.

Để thực hiện mục tiêu trên, Dự thảo Chiến lược đề xuất 6 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu, bao gồm: nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách; phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu;

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; đầu tư, phát triển một số công nghệ cơ bản của CMCN4.0.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh