CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:40

Cúng Rằm tháng Giêng và những điều không phải ai cũng biết

 

Tết Nguyên Tiêu là sự pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian Việt Nam với tôn giáo ngoại lai

Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhưng Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán cũng như nhiều ngày Tết khác của người Việt, theo T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, đều có sự ảnh hưởng từ các tích truyện của Trung Quốc. Chỉ có điều, khi về đến Việt Nam, qua sự tiếp biến văn hóa, các phong tục, ngày lễ này đều có sự thay đổi ít nhiều.

Nhiều tài liệu viết, phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Hồi đó, các cung nữ sau tết Nguyên Tiêu đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ. Nhưng ngặt nỗi, cung vua canh phòng cẩn mật nên không thể ra ngoài.

Đông Phương Sóc- viên sủng thần của Hán Vũ Đế, vốn thông minh, khi nghe được tin này liền tìm cách giúp các cung nữ thực hiện nguyện vọng gặp mặt cha mẹ. Bước đầu tiên, Đông Phương Sóc tung tin, hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An, khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ.

Sau đó, Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ rằng, tối ngày Rằm, mọi người trong cung phải đi lánh nạn ở ngoài cùng vua, các đường to ngõ hẻm, trước nhà sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả thành Trường An lửa cháy hừng hực, nhờ đó đánh lừa Hỏa Thần.

Tết Nguyên Tiêu ở Trung Quốc còn được gọi là Tết Hoa Đăng.

Vua Hán Vũ đã đồng ý phương án này của Đông Phương Sóc. Thế là từ đó, cứ đến ngày rằm tháng Giêng đều phải treo đèn lồng và các cung nữ nhân ngày này đều có thể thực hiện nguyện vọng gặp mặt người thân.

Về sau, Tết Nguyên Tiêu được lưu truyền rộng rãi và ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, nước ta đồng thời có sự du nhập của Phật giáo, ảnh hưởng đến nhiều phương diện truyền thống, trong đó có ngày Tết Nguyên Tiêu. Nhờ sự hỗn dung văn hóa này, Tết Nguyên Tiêu cũng có ít nhiều sự biến đổi”.

“Theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc”, T.S Đinh Đức Tiến cho biết.

Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp thêm với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, từ đó, không gian thờ cúng của ngày Rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa hơn.

Lễ Phật cả năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng

“Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm, Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên Tiêu còn được dân gian gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).

Người Việt Nam có câu "Lễ Phật cả năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng". Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngày Tết Nguyên tiêu trong đời sống tâm linh của người Việt. Chính vì vậy mà vào ngày lễ này, các gia đình thường rất cẩn thận trong việc sắm lễ cúng. Nhiều người còn lên chùa cầu may mắn, bình an rồi mới làm lễ tại nhà.

Ngày Rằm tháng Giêng, nhiều người thường đi chùa để cầu bình an.

Rằm tháng Giêng còn được coi là Tết muộn, bởi dư âm của những ngày Tết Nguyên Đán vẫn còn và nhiều gia đình vẫn tiếp tục ăn Tết, gói bánh chưng, chơi mai, đào nở muộn. Đây cũng là dịp để những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn tết “bù”...

Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, Rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày Rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi.

Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn... Nhưng nhà nào cũng phải có lễ cúng gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.

Cách sắm lễ vật

Nhiều người tin rằng, thời điểm này là lúc Phật giáng lâm. Bởi thế ngày rằm tháng Giêng, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà. Các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên.

Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện cuộc sống, mỗi gia đình lại tùy biến linh động cúng vào ngày, giờ khác nhau, nhưng đều thể hiện tinh thần chung là tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, thần thánh.

Theo T.S Đinh Đức Tiến, cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết, bắt buộc phải có hương hoa oản quả. Đặc biệt, không thể thiếu được cau, lá trầu và chút rượu trắng.

Lễ vật trên mâm cúng thường là đồ chay.

Giờ “chuẩn” để cúng rằm tháng Giêng, T.S Đinh Đức Tiến cho rằng, theo quan niệm dân gian, thích hợp và chính xác nhất là thường cúng vào giờ Ngọ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh