THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:38

Kiên quyết loại trừ tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp


Cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, 5 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 đạt 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%; thu hút khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người, tăng 8,8%. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 7,3 tỷ USD. Xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký mới, gần 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; đời sống người dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm 30,5%.

Nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng đã bị triệt phá. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như: Đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng...

"Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, nỗ lực cao nhất hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2019", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo trước Quốc hội sáng 6.6

Phó Thủ tướng thông tin, hiện cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.

Việt Nam cũng đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp...

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường; thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị...

Không chấp nhận gian lận thi cử

Về khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm, đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Hiện các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; chỉ đạo các cấp, ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Các cơ quan cũng đã đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); ban hành chỉ thị của Thủ tướng để xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng (như các vụ: AVG; "Vũ nhôm"; "Út trọc", Thép Thái Nguyên...); tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm...).

Xác định rõ phòng chống tham nhũng là công việc hệ trọng, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đề ra; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; khẩn trương hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát. 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh