CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:27

Kiến nghị 2 phút 'đòi' được 200 tỷ hoàn thuế

  

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần 2 của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng chủ trì. Ảnh: Viễn Thông

 

Tham dự đến cuối buổi Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần 2 của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính chiều 4/12 tại TP HCM, ông Vũ Văn Thanh – Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Hoa Sen xin ban chủ tọa 2 phút để nêu khó khăn.

Quỹ thời gian chương trình sắp hết, ông Trương Gia Bình – Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đồng ý bấm giờ đúng 2 phút để ông Thanh nêu kiến nghị với Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng và đại diện Bộ tài chính.

Ông Thanh "than thở" rằng doanh nghiệp mình đang bị ảnh hưởng lớn bởi việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu. Từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2017, Hoa Sen đã lần lượt nộp hàng loạt hồ sơ hoàn thuế với mức hoàn tổng cộng là 577 tỷ đồng. Cục thuế Bình Dương đã kiểm tra đầy đủ và công ty cũng đã gửi hàng loạt công văn đi khắp nơi, từ Tổng cục thuế đến Chính phủ, nhưng vẫn không thấy hoàn thuế.

“Nếu chưa được hoàn thì chúng tôi phải chịu lãi vay rất nặng. Số này là số đã nộp hồ sơ xin hoàn thuế thôi. Còn tổng cộng số tiền thuế được khấu trừ mà chúng tôi sẽ nộp hồ sơ tiếp, tính đến cuối tháng 9 năm nay là 1.200 tỷ. Lãi ngân hàng bây giờ là 8% mỗi năm. Do đó, tiền lãi vay thôi là 100 tỷ một năm”, ông Thanh trình bày.

Ít phút sau, ông Cao Anh Tuấn – Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế (Bộ tài chính) đã cập nhật được tình hình và đưa ra câu trả lời. “Vấn đề là Hoa Sen đang có nhiều chi nhánh đang nợ thuế. Do đó, bản thân trung tâm tài chính bên mình theo dõi số liệu không khớp. Chúng tôi vừa qua đã phối hợp rất tích cực với các đơn vị. Đến chiều nay, các đơn vị đã đối chiếu số liệu để bù trừ nợ thuế, đã xử lý xong và hoàn 200 tỷ cho công ty”, ông Tuấn thông báo.

Được giải quyết thành công ngay sau kiến nghị 2 phút, ông Vũ Văn Thanh rời khỏi chỗ ngồi để bắt tay với các chủ tọa và đại diện Bộ Tài chính. Không chỉ bộ này, một số bộ ngành khác cũng tỏ ra cầu thị và thẳng thắn nhận khuyết điểm tại buổi đối thoại trước các vướng mắc của doanh nghiệp.

Ông Đỗ Văn Huệ - Đại diện Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao đánh giá chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện không hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp  công nghệ cao. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các cơ chế ưu đãi. Đơn cử, gói 100.000 tỷ đồng vay ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn giải ngân ì ạch.

“Chúng tôi khẳng định ý kiến nói chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả là rất đúng. Chúng ta có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhưng đang cần thay đổi. Cuối năm ngoái, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nghiên cứu sửa đổi Nghị định 210. Chúng tôi cơ bản đã nhận ra những hạn chế, bao gồm ba vấn đề chính. Thứ nhất, cần điều chỉnh chính sách thuế, tiếp cận đất đai và tín dụng. Thứ hai, nghị định này chưa đi vào cuộc sống. Thứ ba, thủ tục ưu đãi còn rất nhiêu khê. Một dự án muốn nhận đồng tiền hỗ trợ mất 16 bước. Như vậy là mang nặng cơ chế xin cho”, Thứ trưởng Nông nghiệp - Hà Công Tuấn nhìn nhận.

Theo kết quả khảo sát trước hội nghị của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính), các doanh nghiệp đang đánh giá cao yếu tố hội nhập quốc tế và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều hạn chế cũng được chỉ ra.

Đó là sự chuyển biến chậm về tư duy, hành động của cấp quản lý, đặc biệt ở cấp chính quyền địa phương; sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ và thiếu cơ chế liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính; các quy định thủ tục  dù cắt giảm, cải cách nhiều nhưng vẫn rườm rà, phức tạp.

Ngoài ra, quá trình thực thi chính sách còn nhiều méo mó, đi ngược tinh thần chỉ đạo của Đảng - Quốc hội - Chính phủ, làm gia tăng thêm gánh nặng sản xuất kinh doanh; sự lạm dùng pháp luật và tùy nghi ứng xử của cơ quan công quyền với người dân, doanh nghiệp…

Trong đó, các doanh nghiêp cho rằng, thủ tục rườm rà đang là rào cản lớn nhất, với 73% đồng ý. Tiếp đến là thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ cơ quan nhà nước (64%) và sự chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước (46%).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng, nhìn chung niềm tin của doanh nghiệp và người dân với Chính phủ hai năm qua đã cải thiện mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới và dòng vốn đầu tư đổ vào nền kinh tế.

Ông kêu gọi doanh nghiệp mạnh dạn nêu khó khăn và hiến kế trực tiếp cho Chính phủ. Đồng thời, các ý kiến nêu trong buổi đối thoại sẽ được Thường trực hội đồng tư vấn hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét và chỉ đạo các bộ, địa phương có biện pháp tháo gỡ.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề xuất minh bạch hóa quá trình này, định kỳ thông tin cho doanh nghiệp cũng như báo cáo Thủ tướng và Chủ tịch Hội đồng tư vấn về kết quả. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ủng hộ đề xuất trên.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh