THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:09

Kiên Giang tìm giải pháp phát triển 3 vùng du lịch trọng điểm

Hội thảo có hơn 200 đại biểu, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Kiên Giang, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nhân… trong và ngoài tỉnh tham dự hội thảo.

Báo Công an nhân dân đưa tin, hội thảo có gần 30 tham luận, chủ yếu tập trung vào đầu tư, bảo tồn, khai thác 3 vùng du lịch trọng điểm, với các chủ đề như: phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch; khai thác giá trị văn hóa, lịch sử trong phát triển kinh tế du lịch; kết nối đầu tư phát triển du lịch trong kinh doanh khách sạn, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch, xây dựng sản phẩm mới và thương hiệu du lịch Kiên Giang; xây dựng, phát triển các tour, tuyến du lịch trong chiến lược phát triển du lịch xuyên quốc gia; đề xuất các định hướng quy hoạch chung cho 3 vùng du lịch trọng điểm…

Kiêm Giang: Tìm giải pháp phát triển 3 vùng du lịch trọng điểm - Ảnh 1.

Hơn 200 đại biểu tham dự Hội thảo khoa học phát triển du lịch 3 vùng.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, qua đó cơ sở hạ tầng du lịch có bước phát triển nhanh, lượng khách và doanh thu du lịch hàng năm đều tăng trưởng cao.

Ước tính giai đoạn 2016 đến tháng 9-2019 có khoảng 26,29 triệu lượt khách; trong đó khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 12,27 triệu lượt khách, khách quốc tế 1,83 triệu lượt đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh; doanh thu trực tiếp về du lịch đạt trên 20.910 tỷ đồng.

Tỉnh đã quy hoạch, đầu tư và đang khai thác tiềm năng của 3 vùng du lịch này, trong giai đoạn 2016-2020 phân bổ đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công cho 3 vùng du lịch 369 tỷ đồng, với 5 dự án.

Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư vào các dự án hạ tầng khác cũng nhằm phục vụ ngành du lịch với tổng vốn 5.675 tỷ đồng, góp phần tăng trưởng ngành du lịch nói chung và 3 vùng du lịch nói riêng. Tuy nhiên, để phát triển du lịch 3 vùng này một cách bền vững cần có những giải pháp căn cơ, đột phá.

Thông tin trên TTXVN, Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển bền vững, ngay từ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 - 2010 đã xác định Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là một trong 7 địa bàn du lịch trọng điểm du lịch của cả nước.

Đây là định hướng mang tầm chiến lược vẫn còn nguyên giá trị cho đến hiện nay và cả trong giai đoạn phát triển mới. Điều này khẳng định tiềm năng, vị thế của các trung tâm du lịch Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng không chỉ đối với phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang mà còn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

PGS.TS Phạm Trung Lương đề xuất giải pháp phát triển du lịch 3 vùng này gồm: Du lịch xanh thân thiện với môi trường, cốt lõi là du lịch sinh thái; du lịch văn hóa với trọng tâm là khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh rất đặc sắc ở khu vực này; du lịch cộng đồng.

Kiên Giang cần có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng kết nối 3 trung tâm du lịch này với nhau và với Phú Quốc; đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu đặt ra "bứt phá" trong giai đoạn mới.

GS.TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất vùng Hà Tiên - Kiên Lương phát triển du lịch tham quan hệ sinh thái núi đá vôi; du lịch cửa khẩu Hà Tiên; du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh gắn với tham quan các di tích, danh thắng; du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề.

Vùng Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải phát triển du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, làng nghề; du lịch tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo; du lịch trung chuyển; du lịch biển đảo. Vùng U Minh Thượng phát triển du lịch văn hóa lịch sử, về nguồn; tham quan, nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng tràm, các loài chim, dơi Vườn Quốc gia U Minh Thượng; du lịch nông thôn.

GS.TS Nguyễn Văn Đính đề xuất tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thuận tiện, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, đường biển phục vụ du khách tiếp cận các vùng du lịch, sản phẩm du lịch. Liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm du lịch để nâng cao giá trị, chất lượng du lịch...

PV (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh