Kiên định “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt, sáng tạo
- Dược liệu
- 18:07 - 23/07/2021
An sinh xã hội luôn được chú trọng
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng vẫn tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác; cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ.
Phó Thủ tướng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thực hiện tốt các chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn". Những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Các ngày lễ lớn được tổ chức ý nghĩa, trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với tình hình. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng.
Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện. Đã kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt. Hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Đã dành 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các trung tâm quốc gia đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao. Hình thức dạy và học trực tuyến tiếp tục được triển khai rộng rãi, góp phần bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2020 - 2021. Nhiều học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (đợt 1) diễn ra an toàn, nghiêm túc. Tích cực triển khai các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chất lượng dịch vụ y tế nhìn chung được nâng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, quản lý y tế được tăng cường, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19. Các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm. Công tác người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được chú trọng; thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả ấn tượng.
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế
Trong những tháng còn lại của năm 2021 Chính phủ tiếp tục quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội. Tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Theo đó, Chính phủ quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiết kiệm chi thường xuyên 10% (không kể tiền lương), kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai, nhất là việc rà soát, cắt giảm phù hợp các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Chính phủ kiên định "mục tiêu kép", thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Chính phủ thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững. Xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng và mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch COVID-19 và độ bao phủ tiêm chủng. Chính phủ cũng sẽ kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu, kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhận định, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản.
Nhìn về những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội những tháng còn lại trong năm, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển "quỹ vaccine"; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hóa nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine trong nước.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ xem xét có giải pháp triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Chuẩn bị cho khả năng phục hồi các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, xây dựng phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng. Thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chặt chẽ đối với việc chi ngân sách nhà nước. Cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu ngân sách nhà nước, mức trần nợ công, có biện pháp điều hành thu, chi ngân sách nhà nước kịp thời; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên...
Nhận thức về "mục tiêu kép" phải thay đổi
Phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025 vào chiều 22/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, COVID-19 không chỉ tấn công địa bàn dân cư mà lo nhất là tấn công và cả những thành trì vững chắc, nơi tăng trưởng kinh tế của cả nước, nơi chiếm đông lực lượng lao động là khu công nghiệp, khu chế xuất. "Sau Bắc Giang, Bắc Ninh nay, COVID-19 tấn công vào khu công nghiệp, khu chế xuất của TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.... Hiện TP HCM có 1,6 triệu công nhân, Đồng Nai có 1,2 và Bình Dương cũng có khoảng 1,2 triệu công nhân. Chỉ riêng khu công nghiệp ở 3 địa phương này "vỡ trận" thì rất nguy hiểm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, bằng mọi giải pháp phòng, chống dịch và thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhận thức về mục tiêu kép phải đổi mới, tư duy phải đổi mới hoàn toàn. Trước đây mục tiêu kép là đồng thời cả 2 việc, nhưng bây giờ không thể có được. Trong hoàn cảnh như ở TPHCM bây giờ chỉ ưu tiên chống dịch hay ưu tiên phát triển kinh tế. "Nhận thức về mục tiêu kép bây giờ khác, phải chấp nhận tốc độ phát triển chậm lại, hi sinh một phần kinh tế để mà chống dịch vì an toàn sức khỏe của người lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, phải thẳng thắn nhìn vào thực tế, trong điều kiện hiện nay, muốn phát triển kinh tế tốt thì chỉ có cách sống chung với dịch. Muốn thế buộc phải miễn dịch cộng đồng, do đó buộc phải có chiến lược vaccine. Gần đây nhiều người thắc mắc, tại sao Chính phủ không cho doanh nghiệp mua vắc xin và thực tế Chính phủ chưa bao giờ cấm, Thủ tướng cũng gặp các doanh nghiệp, địa phương có nhu cầu muốn mua và hoan nghênh. Nhưng đến nay, không có doanh nghiệp nào mua nổi. Tất cả các hãng vaccine trên thế giới đều đi tới thống nhất với nhau chỉ hợp tác với Chính phủ, hợp tác ở đây là hợp tác không có điều kiện. Hiện Chính phủ đã đặt mua được 140 triệu liều của các hãng khác nhau, có trường hợp phải vượt luật, bởi sử dụng tình huống cấp bách, đặc biệt. Nên nhận thức về vấn đề này cũng có sự khác, mới, hoàn toàn khác.