THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:05

Kiểm tra thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Sóc Trăng và Vĩnh Long

Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Ủy ban chỉ đạo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Kiểm tra thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Sóc Trăng và Vĩnh Long - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Xuân Lập làm Trưởng đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" làm việc với tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng đang tăng cường đẩy mạnh phong trào

Ngày 17/10, đoàn kiểm tra đã làm việc với Ban chỉ đạo tỉnh Sóc Trăng. Báo cáo kết quả thực hiện phong trào trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh cho biết: Trong năm 2018, Quỹ Vì người nghèo các cấp vận động, hỗ trợ hơn 700 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ khám, chữa bệnh, tặng quà cho người nghèo, tặng học bổng cho học sinh nghèo... Toàn tỉnh có 267 câu lạc bộ, đội văn hóa văn nghệ sinh hoạt thường xuyên; xây dựng mới 12 nhà sinh hoạt cộng đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức 122 cuộc giám sát chuyên đề, đồng thời tham gia cùng các ngành chức năng tổ chức 345 cuộc giám sát các nội dung.

Toàn tỉnh có 310.189/326.803 hộ đăng ký thực hiện danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 94,92%), cuối năm có 290.013 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 88,74%; 775/775 khu dân cư đăng ký thực hiện danh hiệu "ấp, khóm văn hóa", trong đó, có 722/775 khu dân cư được công nhận đạt danh hiệu, giữ vững danh hiệu "ấp, khóm văn hóa", đạt 93,16%; 9 xã đạt và giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; công nhận 2 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, nâng tổng số phường đạt danh hiệu là 6 phường. Có 1.578/1.578 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa, cuối năm có 1.550 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa (giảm 28 cơ quan, đơn vị do sáp nhập và giải thể). Có 100% khu dân cư tổ chức "Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc". Năm 2019 có 310.189/326.803 hộ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, 100% khu dân cư đăng ký danh hiệu khu dân cư văn hóa. Có 1.534 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 100%. Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được phát động ở các cấp ngày càng phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Có 105/109 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đạt 96,33%; 11/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở...

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng.


Tại buổi làm việc, các đại biểu có nhiều ý kiến xoay quanh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; các văn bản hướng dẫn thực hiện; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.

Là một cấp địa phương thực hiện tốt Phong trào, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Đông cho biết, nhằm phát triển nông thôn mới, địa phương luôn đẩy mạnh triển khai thực hiện các phong trào, trong đó Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai mạnh mẽ và đạt hiệu quả tích. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn gặp một số khó khăn là: Việc chỉ đạo chưa được thống nhất giữa các cơ quan ban, ngành. Để thực hiện tốt phong trào này vị chủ tịch xã kiến nghị cấp trên cần phải thống nhất về một đầu mối chỉ đạo, tránh sự chồng chéo khiến địa phương khó triển khai Phong trào.

Qua thảo luận, đại điện Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Xuyên trình bày một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": "Khó khăn lớn nhất là do thiếu nguồn kinh phí. Để thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", theo tôi Trung ương nên xem xét phê duyệt tăng thêm nguồn kinh phí để chúng tôi triển khai thực hiện phong trào được tốt hơn".

Phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban chỉ đạo tỉnh Sóc Trăng, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao những thành tích đạt được của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": "Địa phương đã chú trọng phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trật tự xã hội luôn luôn đạt thành tích tốt và có nhiều cố gắng của chính quyền và người dân địa phương".

Đồng thời, Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị tỉnh tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thi đua, khen thưởng trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho thành viên ban chỉ đạo các cấp. Bên cạnh đó cần phải tăng cường thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm chăm sóc người có công với cách mạng.

Kiểm tra thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Sóc Trăng và Vĩnh Long - Ảnh 3.

Trưởng đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" làm việc với ban chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long.

Vĩnh Long thực hiện tốt phong trào

Ngày 18/10, đoàn kiểm tra đã kiểm tra và làm việc với Ban chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long. Báo cáo với đoàn kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo tỉnh cho biết: Trong năm 2018, Quỹ "Vì người nghèo" 3 cấp đã vận động được 63.725.154.912 đồng; vận động an sinh xã hội được trên 900 tỷ đồng; hỗ trợ cất mới 2.013 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 78.062.409.000 đồng; sửa chữa 220 căn, trị giá 2.178.243.000 đồng; hỗ trợ xây dựng 495 căn nhà theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền 2.475.000.000 đồng.Thông qua cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua của các tổ chức thành viên được thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả như: Nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các hộ nông dân về liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, "Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới" của Hội Nông dân; Phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc", Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", xây dựng các mô hình tổ sản xuất may mặc, gia công chế biến các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp do Hội Phụ nữ quản lý...

Đến cuối tháng 9/2019, toàn tỉnh có 252.289/261.187 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá, đạt 96.5%; 816/847 ấp (khóm, khu phố) đạt chuẩn văn hoá, đạt 96.3%. Đồng thời đã có 60/94 xã đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", đạt tỷ lệ 63.8%; 07 /15 phường, thị trấn đạt danh hiệu "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị", đạt tỷ lệ 46.7% và 45/89 xã được công nhận Xã nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 50,5%; 01 thị xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Các đại biểu đóng góp ý kiến trong buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long.

Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện phong trào. Cụ thể, theo Ban chỉ đạo tỉnh, hiện nay một số nơi, trong một số thời điểm, việc chấm điểm, bình xét còn chưa thật sự trung thực, nghiêm túc, cá biệt có hộ gia đình vi phạm pháp luật vẫn được công nhận gia đình văn hóa.

Số ấp (khóm, khu) đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí mới khá nhiều nhưng chưa bền vững, thể hiện nhiều ấp (khóm, khu) văn hóa một số tiêu chí chưa được nâng lên hàng năm, nhất là về vệ sinh môi trường.

Các biểu mẫu kèm theo Nghị định 122/2018/NĐ-CP tương đối nhiều (14 loại biểu mẫu) gây khó khăn cho cơ sở trong công tác in ấn, cấp phát các biểu mẫu đến từng hộ dân để triển khai đăng ký, chấm điểm bình xét vào dịp cuối năm. (Kinh phí được cấp cho các ấp, khóm, khu còn hạn chế khoảng 5 triệu đồng/ năm để chi cho tất cả các cuộc vận động ở cơ sở).

Để khắc phục những khó khăn trên Ban chỉ đạo tỉnh kiến nghị Lãnh đạo Trung ương xem xét tổ chức kịp thời các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện tham mưu thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Điều chỉnh một số nội dung của Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL, ngày 24/01/2013 quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị" cho phù hợp với Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ (về Khu dân cư đạt chuẩn văn hóa)...

Sau khi nghe báo cáo và thảo luận với các đại biểu, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao những thành tích mà Ban chỉ đạo tỉnh đã triển khai thực hiện phong trào rất hiệu quả và ghi nhận những kiến nghị của Ban chỉ đạo tỉnh để góp ý với Ban chỉ đạo Trung ương để sửa đổi, bổ sung văn bản có liên quan.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Trưởng đoàn kiểm tra Trung ương đề nghị trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Long tiếp tục công tác phối hợp với sở, ban ngành để đổi mới phương thức hoạt động thiết thực, hiệu quả với đời sống người dân nhất.


XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh