Kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ thịt lợn
- Huyệt vị
- 13:22 - 18/05/2019
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng các địa phương đang khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và thị xã Phú Mỹ giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, nên các địa phương này đã thành lập và đưa vào hoạt động ngay các chốt kiểm dịch đối với lợn và sản phẩm của lợn lưu thông vào địa bàn.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 chốt kiểm dịch liên ngành được thành lập tại các tuyến Quốc lộ 51, 55, 56 và một số tuyến đường tắt, đường nhánh nhỏ qua các lô cao su hoặc khu vực dân sinh tại huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức và thị xã Phú Mỹ.
Nhiệm vụ của các chốt kiểm dịch là kiểm tra giấy tờ chứng minh nguồn gốc lợn, kiểm tra lâm sàng trạng thái của lợn trên xe, nếu không có dấu hiệu bất thường các phương tiện này sẽ được phun thuốc, tiêu độc khử trùng rồi mới được vận chuyển lợn vào địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về mức độ nguy hiểm, cơ chế lây truyền, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp...
Tại tỉnh Đắk Nông, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, ngành chức năng đã tiến hành hai đợt tiêu độc khử trùng tại những vùng có nguy cơ cao với tổng cộng gần 10.000 lít hóa chất.
Việc kiểm dịch các phương tiện vận chuyển được đẩy mạnh tại các trạm kiểm dịch động vật trên đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 28, 2 cửa khẩu Đắk Puer, Bu Brăng và một số trạm kiểm dịch động vật tạm thời trên các tuyến đường nhỏ hơn.
Thời gian tới đây, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông tiếp tục tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên toàn tỉnh, nhất là các khu vực có nguy cơ cao, mật độ đàn gia súc lớn; có giải pháp thích hợp để hỗ trợ người chăn nuôi khi tiêu hủy lợn nhiễm dịch bệnh, tránh tình trạng người chăn nuôi bán đổ bán tháo, vứt xác lợn chết hoặc tiêu hủy không đảm bảo vệ sinh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng giao Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã kiểm tra, xử lý việc vận chuyển chất thải chăn nuôi trên địa bàn; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành văn bản không cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý vào tỉnh Đắk Nông.
Ngày 12/5 vừa qua, Đoàn Kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Đắk Nông) phát hiện tại cơ sở giết mổ động vật của ông Nguyễn Hữu Triều tại tổ 3, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) có 22 con lợn đã chết và 6 con khác đã mổ thịt có biểu hiện thâm tím, bốc mùi.
Số lợn này do bà Nguyễn Thị Sen ngụ xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông vận chuyển đến.
Tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh. (Nguồn: TTXVN)
Ngành chức năng đã lập biên bản tiêu hủy số lợn, đồng thời lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp gia súc nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, nhưng trước diễn biến hết sức phức tạp, với tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, nhất là khi dịch đã xuất hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp đã chủ động đề ra các giải pháp phòng, chống ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có tổng đàn lợn khoảng 200.000 con; trong đó, tập trung nhiều nhất ở thành phố Sa Đéc và các huyện như Châu Thành, Lai Vung, Tân Hồng.
Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian qua luôn được giám sát chặt chẽ. Ngành chuyên môn đã triển khai đồng loạt được 2 tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng, nhằm tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh tồn tại trong môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi; cấp phát gần 23.000 tờ rơi, tổ chức tập huấn ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu phi cho người dân và các phòng chuyên môn 12 huyện thị, thành phố để tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với loại dịch bệnh này.
Ngoài ra, việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ cũng được triển khai quyết liệt, xử lý nghiêm 18 trường hợp vi phạm trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh.