THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:56

Kiểm định chất lượng dạy nghề: Đưa công tác dạy nghề đi vào thực chất

 

Từng bước hoàn thiện công tác kiểm định chất lượng dạy nghề

 PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng TCDN cho biết: “Những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH công tác kiểm định chất lượng dạy nghề đã được đẩy mạnh, trở thành hoạt động thường xuyên với nhiều trường. Mặc dù bước đầu còn gặp không ít khó khăn, nhưng nó cho thấy công tác này đóng góp không nhỏ nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề”.

 

Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề (TCDN) cho biết: Năm 2014-2015, tập trung kiểm định đối với các trường trung cấp nghề (TCN) và cao đẳng nghề (CĐN). Công tác kiểm định dựa trên đề nghị của các trường. Cụ thể, năm 2014, lựa chọn 35 trường và năm 2015 chọn 21 trường tham gia kiểm định chất lượng dạy nghề. Tuy nhiên, thực tế công tác kiểm định chỉ thực hiện được một số trường, còn phần lớn không tiến hành kiểm định do một số lí do khách quan.

Theo kết quả đánh giá của Hội đồng thẩm định, năm 2014-2015 đã công nhận cho 19 trường đạt kiểm định chất lượng dạy nghề ở cấp độ 3 (trong đó 7 trường TCN và 12 trường CĐN), công nhận cho 7 trường đạt cấp độ 2 (1 trường TCN và 6 trường CĐN) và 3 trường đạt cấp độ 1 (2 trường TCN và 1 trường CĐN).

  Được biết, công tác thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề bắt đầu từ năm 2012. Năm 2014, TCDN tiếp tục tiến hành thí điểm kiểm định đối với 25 chương trình đào tạo để hoàn thiện hệ thống tiêu chí kiểm định, quy trình kiểm định chất lượng theo quyết định 782/QĐ-LĐTBXH ngày 3/7/2014 về việc phê duyệt tiếp tục triển khai thí điểm năm 2014-2015.

Về công tác đảm bảo chất lượng dạy nghề, Cục Kiểm định đã xây dựng mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng tại 6 trường CĐN, được tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao, góp phần quản lý chất, giám sát nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đào tạo. Cụ thể, đã xây dựng được 2 bộ chương trình, tài liệu tập huấn, áp dụng 28 nội dung quản lý chất lượng thuộc hệ thống quản lý của 6 trường CĐN, nhiều hội thảo tổ chức với đánh giá cao về mô hình khung quản lý chất lượng…

Tại hội nghị, PGS.TS Cao Văn Sâm cũng nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện công tác kiểm định, lãnh đạo các trường cần thẳng thắn đóng góp tham luận, nhìn nhận đúng đắn các mặt thực hiện để tham mưu cho TCDN kịp thời điều chỉnh những thiếu sót.

Cũng theo lãnh đạo TCDN, nhiệm vụ trong thời gian tới, công tác quản lý phát triển hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp, sau khi thống nhất với Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư liên tịch theo quy định của Chính phủ tại nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015.

Mục tiêu của công tác kiểm định chất lượng dạy nghề đến năm 2020 là thành lập 3 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ở 3 vùng, 100% các ngành nghề, các trường nghề chất lượng cao, được kiểm định chất lượng đào tạo…

 Trường nghề thay đổi cách nghĩ cách làm về kiểm định

 Phát biểu tham luận tại hội nghị, các đại biểu là hiệu trưởng các trường CĐN, TCN cũng bày tỏ thẳng thắn về công tác kiểm định chất lượng dạy nghề. Thầy giáo Phạm Hùng, Hiệu trưởng trường CĐN Cơ giới Ninh Bình cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm định chất lượng dạy nghề, nhà trường đã tiến hành công tác tự kiểm định chất lượng dạy nghề ngay từ rất sớm (năm 2009), nhờ đó có sự chuẩn hóa về chất lượng  dạy nghề. Mặt khác trường cũng đã thành lập phòng khảo thí và kiểm định chất lượng dạy nghề theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác Th.S Trần Ngọc Huân, Hiệu trưởng Trường CĐN Du lịch Nha Trang cho rằng: Đảm bào chất lượng dạy nghề là một nhiệm vụ, mục tiêu khó khăn bởi rất nhiều yếu tố ảnh hưởng vào quá trình giáo dục dạy nghề. Do vậy, để đảm bảo chất lượng dạy nghề cần đòi hỏi sự phối hợp nhiều yếu tố, phương pháp đánh giá khách quan…Trong đó kiểm định chất lượng dạy nghề là công cụ hỗ trợ hiệu quả, khách quan và khoa học.

Đã 6 năm thực hiện công tác tự kiểm định và 4 lần phục vụ đoàn kiểm định về khảo sát tại Trường CĐN Đà Lạt, ông Trương Thúc Hiếu, Hiệu trưởng Trường CĐN Đà Lạt cho rằng: Bên cạnh sự quyết tâm nỗ lực của cơ quan quản lý về hoạt động kiểm định và của các cơ sở dạy nghề, vẫn còn những vướng mắc cần hoàn thiện. Cụ thể, chưa có chính sách khuyến khích các trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng, do đó các trường chưa đánh giá cao công tác kiểm định chất lượng dạy nghề. Mặt khác, bộ tiêu chí tiêu chuẩn kiểm định còn dàn trải, một số tiêu chí chưa đánh giá phù hợp với thực tiễn...Một ví dụ cụ thể: Chỉ số đánh giá về chỗ ngồi thư viện, ký túc xá, bố trí xưởng thực hành…chưa phù hợp với thực tiễn.

Các bài tham luận tại hội nghị, hiệu trưởng một số đơn vị dạy nghề đã đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các trường đạt cấp độ 3 để các trường duy trì cấp độ và khắc phục những nhược điểm tồn tại để đảm bảo chất lượng kiểm định theo tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề yêu cầu.

Tiếp thu những ý kiến tham luận tại hội nghị, lãnh đạo TCDN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan nghiêm cứu khắc phục và đồng thời hi vọng thời gian tới các cơ sở dạy nghề sẽ phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đưa công tác kiểm đinh chất lượng dạy nghề thực sự đạt hiệu quả.  

Phạm Tuấn

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh