CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2023

Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc ngày 20/10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ và sẽ là năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế kế hoạch đặt ra, với tăng trưởng GDP khoảng 8%; thu ngân sách nhà nước 11 tháng đã vượt hơn 16% so với dự toán, trong đó ngân sách trung ương tăng gần 15% dự toán…

Năm 2023, Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định cũng gia tăng khiến tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu có thể chậm lại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa có đột phá rõ rệt.

Xu-phat-hang-hoa-nhap-khau-khong-co-xuat-xu

Là nền kinh tế có độ mở cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro trước xu hướng kinh tế thế giới đang ở thời điểm mong manh, tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái cục bộ ngắn hạn ở một số nền kinh tế lớn và biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, cùng với các căng thẳng địa chính trị khu ngày càng phức tạp, Việt Nam đang đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỷ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam). Hơn nữa, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ “dịch chồng dịch”, trong khi tâm lý chủ quan đang lan rộng và công tác phòng, chống dịch và năng lực y tế dự phòng còn không ít hạn chế.

Sự cảnh báo nóng gắn với các thách thức về triển vọng kinh tế thế giới và nội lực kinh tế cùng những rủi ro và bất cập trong quản lý thị trường đòi hỏi chúng ta kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, phát triển và nâng cao năng lực thể chế, tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường, củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư..

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Hơn nữa, thực tiễn cũng đòi hỏi cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả trong nhận thức và thể chế trong tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng, dầu) cho sản xuất, đời sống; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, thị trường lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước; tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát nợ xấu, nợ thuế và chi phí vốn của doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...

Đồng thời, chủ động khai thác tốt hơn các cơ hội kinh tế gắn với việc tham giá các FTA thế hệ mới, từ mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Hàn Quốc, Mỹ - ASEAN mới được thiết lập cuối năm 2022, cũng như từ sự nồng ấm trở lại quan hệ Việt - Đức được ghi nhận từ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức trung tuần tháng 11/2022.

Tháng 9/2022, WB nhấn mạnh, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022, 2023. Nngày 7/10/2022, WB nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với "làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ", nhiều quốc gia đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao. Ngay các nền kinh tế lớn cũng lúng túng trước bài toán tăng mạnh lãi suất có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng việc thả lỏng cho lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ còn tồi tệ hơn.

Ngày 11/10/2022, IMF cảnh báo,: thế giới đang ở trong giai đoạn “rất mong manh”, với lạm phát tiếp tục gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một chậm lại (năm 2022 chỉ tăng 3,2% GDP so với 6% GDP năm 2021 và năm 2023 chỉ còn là 2,7%); năm 2023 có 25% khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức 2% và hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm; cả 3 nền kinh tế lớn nhất: Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc sẽ đều tăng chậm lại…

 

 Đặc biệt, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động và thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, quy định mới của các quốc gia đến sản xuất, xuất, nhập khẩu của Việt Nam; tăng năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, hướng tới hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng; nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam; phát triển xuất, nhập khẩu phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương theo tinh thần Chương trình hành động triển khai chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022.

Phát huy các thành công, không chủ quan, tự mãn và khai thác tốt hơn các động lực từ nền tảng đã có, chủ động nhận diện và linh hoạt vượt qua thách thức, vừa chia sẻ niềm vui, tự tin, tự hào, vừa tỉnh táo nhận diện đúng để hành động đúng cả trong kinh doanh và trong quản lý, cả vĩ mô và vi mô, cả nước mắt và lâu dài, nhằm tiếp tục hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 mà Chính phủ đề ra, với tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5 - 6%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 93,2% dân số; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo 2 kịch bản:

Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.

Kịch bản 2 được đánh giá khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.

 

TS Nguyễn Minh Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh