Khuyến khích sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:12 - 15/03/2016
Đa phần thanh niên có khát vọng lớn
Tại buổi đối thoại, bạn Nguyễn Chí Công (Quảng Nam) đặt câu hỏi: Ngày nay, nhiều bạn trẻ, từ thanh niên trí thức, cử nhân cao đẳng, đại học đến thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số… có khát vọng lớn, dám chấp nhận khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Quan điểm của Trung ương Đoàn về việc khởi nghiệp của thanh niên như thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: Hiện nay tỷ lệ khởi nghiệp trong tổng dân số của Việt Nam chỉ khoảng 2%, trong khi tỷ lệ trung bình thế giới là 12%.
Tâm lý chung của thanh niên hiện nay là tìm cho mình việc làm nào đó sau khi ra trường, nhưng gần đây đã có nhiều đoàn viên, thanh niên quan tâm đến khởi nghiệp. Thanh niên nông thôn tự tìm cho mình mô hình kinh tế để khởi nghiệp, thanh niên ở thành phố mạnh dạn vay vốn thành lập doanh nghiệp. Trung ương Đoàn cũng đang chuẩn bị đề án về việc làm cho thanh niên và sẽ sớm trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh thăm, tặng quà cho đội hình tình nguyện "Tiếp sức người lao động" tại Bến xe miền Tây, TP. Hồ Chí Minh.
Bạn Phan Thanh Kiên (Thanh Hóa) đặt vấn đề: Việc giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường hiện nay đang gặp một số khó khăn, Trung ương đoàn có định hướng gì để khắc phục thực trạng này ? Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Theo thống kê của Viện Khoa học lao động xã hội, có khoảng 15.000 sinh viên không có việc làm, và đây là vấn đề sinh viên đang rất quan tâm. “Vừa qua tôi có tham gia tiếp xúc với cử tri, nhiều cử tri cũng có kiến nghị về vấn đề này. Tôi đề xuất một số các định hướng như sau: Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn vào trung tâm nghiên cứu thị trường lao động. Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT hiện đã có những trung tâm này. Hằng quý, đều có các cuộc họp báo cung cấp nhiều thông tin về thị trường lao động. Những thông tin cần thiết này cần được cung cấp chính xác để thông tin về việc làm cho thanh niên. Kiến nghị với Bộ GD&ĐT trong quá trình tuyển sinh, cần nghiên cứu thị trường lao động và cung cấp thông tin này tới các trường, để các trường có kế hoạch tuyển sinh hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, và các gia đình sẽ có những định hướng cho các bạn sinh viên. Như vậy, sẽ giải quyết được việc làm tốt hơn.
Tăng cường thông tin tư vấn
“Sinh viên ra trường rất năng động, có kiến thức, có trí tuệ. Chúng tôi khuyến khích các bạn sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp, và nếu thành công, sẽ trở thành tấm gương rất tốt. Đồng thời, trong thời gian khi chưa tìm được việc làm, sinh viên có thể bổ sung thêm kiến thức về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Thị trường rộng lớn, cả trong và ngoài nước rất rộng mở, nhưng do rào cản ngôn ngữ nên đôi khi các bạn trẻ còn gặp rất khó khăn khi tìm việc làm”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Hiện nay, có rất nhiều thanh niên thiếu thông tin tuyển dụng, lao động, việc làm. Bạn Trương Minh Tuấn (Thái Bình) đặt vấn đề: Đề nghị Trung ương Đoàn có biện pháp, định hướng và cung cấp thông tin từ các doanh nghiệp có đủ năng lực đưa người lao động đi làm việc ngoài nước cho các Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên các tỉnh, thành phố trực thuộc Đoàn thanh niên, để các trung tâm có cơ sở lựa chọn? Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết: “Hiện nay, tổ chức Đoàn có các hệ thống tư vấn với nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên ở địa phương. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại là thiếu thông tin chính thống để tư vấn, cung cấp cho thanh niên. Ví dụ như, Trung tâm tư vấn việc làm ở TP Hồ Chí Minh rất năng động, ngoài trụ sở chính có mở thêm 6 văn phòng ở các bến xe- nơi tập trung lượng thanh niên lao động tự do đông đảo, tại đây các bạn sẽ được tư vấn trực tiếp rất tốt, có thể giúp các bạn tiếp cận cơ hội việc làm ngay từ khi vào thành phố”.
Bí Thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đối thoại với thanh niên.
Nhiều thanh niên còn thiếu vốn
Vốn để thanh niên khởi nghiệp luôn là vấn đề nóng, được nhiều bạn trẻ quan tâm. Bạn Nguyễn Chí Cảnh (Bắc Kạn) nêu câu hỏi: Hiện thanh niên nông thôn có nhu cầu phát triển kinh tế ổn định, song hỗ trợ cho thanh niên còn thiếu và chỉ có một số ít thanh niên được vay. Trong khi đó, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chưa đáp ứng được. Sắp tới, Đoàn thanh niên có chủ trương gì trong giải quyết vấn đề này và cụ thể như thế nào? Trả lời câu hỏi này, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho hay: Thực tiễn nhiều năm gần đây, thanh niên nông thôn khi khởi nghiệp, phát triển kinh tế cần nhất là nguồn vốn vay ưu đãi nên các bạn thường tìm đến nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn vay này định mức cho từng cá nhân không được cao nên khi các bạn muốn phát triển mô hình sản xuất lớn hơn thường thiếu vốn. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng được Chính phủ giao quản lý nguồn vốn là Quỹ Hỗ trợ việc làm khoảng 70 tỉ đồng. Con số này không nhiều, nhưng tập trung cho các mô hình kinh tế đã được khẳng định, hiện mức cho vay tối đa là 1 tỉ đồng/dự án, lãi suất ưu đãi khoảng 0,55%/ tháng. Mức này chúng tôi thấy các bạn khi được vay đều phát triển mô hình sản xuất rất tốt, nhiều bạn thành công. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu tăng định mức cho Đoàn TNCS, vì đây là mô hình rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: “Xét rộng ra thì việc vay vốn thương mại rất cần thiết, nhu cầu vay vốn phong phú. Chúng tôi đi các địa phương và ghi nhận việc tiếp cận nguồn vốn vay thương mại rất khó, nhiều thủ tục, chính sách. Chúng tôi kiến nghị hỗ trợ các bạn thanh niên nông thôn, song điều rất quan trọng là tháo gỡ chính sách cho thanh niên, cũng như người dân để họ tiếp cận dễ dàng nhất với nguồn vốn vay”.
Đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Thanh niên và chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2016). Ngoài điểm cầu tại trụ sở chính của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ còn có thêm 10 điểm cầu khác trong nước ở các địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Hoà Bình, Đồng Tháp. Ngoài ra còn có 3 điểm cầu ở nước ngoài là Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc. |