THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:25

Kinh nghiệm giảm nghèo, bài học từ An Giang

 

Người nghèo phải nỗ lực “tự cứu mình hơn là chờ người cứu mình”

Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 từ 9,28% năm 2011 (48.622 hộ) xuống còn 2,5% cuối năm 2015 (13.600 hộ), bình quân giảm 1,15%/năm. Nhìn chung đời sống người nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang từng bước được nâng lên. Giai đoạn 2016-2020, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, An Giang có 45.789 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,45%. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo thực hiện các giải pháp giải quyết đói nghèo mang tính toàn diện hơn: từ chỗ chỉ tập trung triển khai cứu trợ trực tiếp, cho vay vốn sản xuất kinh doanh... thì nay đã chuyển sang dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; giúp người nghèo nâng cao nhận thức, tự tạo việc làm tăng thu nhập, tạo điều kiện cho họ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội để từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Liên kết doanh nghiệp để nâng cao giá trị hàng hóa cho người dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, tỉnh An Giang coi công tác giảm nghèo là chủ trương lớn, xuyên suốt gắn liền với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chương trình giảm nghèo mang tính liên ngành, cần lồng ghép mục tiêu giảm nghèo vào các nội dung chương trình kinh tế - xã hội khác; nhất là lồng ghép với chính sách an sinh xã hội. Giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ sự nỗ lực tự thân theo hướng "tự cứu mình hơn là chờ người cứu mình"; chuyển từ cơ chế cho không sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp/hỗ trợ tín dụng ưu đãi; giải quyết việc làm là khâu trọng yếu có ý nghĩa quyết định. Chương trình giảm nghèo ưu tiên tập trung nguồn lực vào nhóm đối tượng đã được phân loại hộ nghèo có hướng tích cực giảm nghèo; đặc biệt ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15%; các xã vùng dân tộc, vùng khó khăn.

Để chương trình giảm nghèo đúng và trúng đối tượng, công rà soát, xác định rõ đối tượng cần ưu tiên nguồn lực giảm nghèo được đặc biệt quan tâm. Phải phân biệt các đối tượng nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo để có cơ chế hỗ trợ phù hợp, trên cơ sở ưu tiên nhiều cho hộ nghèo chí thú làm ăn, tập trung hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao; tiếp tục hỗ trợ hộ cận nghèo. Đồng thời cần sớm xác định đối tượng yếu thế ra khỏi diện nghèo để chuyển sang diện bảo trợ xã hội, từ đó có thêm điều kiện hỗ trợ các đối tượng nghèo.

Tỉnh An Giang đã điều hành chính sách giảm nghèo theo hướng phân chia các đối tượng nghèo thành 3 nhóm để tập trung đầu tư nguồn lực: Nhóm A là những hộ nghèo tích cực, có đủ cơ sở để thoát nghèo - cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ thoát nghèo bền vững; nhóm B là các hộ còn gặp những trở ngại từ bản thân, gia đình nên thoát nghèo chậm, cho dù có được tạo điều kiện; và nhóm C là bộ phận được coi là không thể hoặc rất khó xoá nghèo (trong nhóm này bao gồm đối tượng chây ỳ, không chịu thoát nghèo và nhóm đối tượng không có khả năng thoát nghèo do hoàn cảnh, sức khoẻ...)

Mỗi địa phương có cách riêng để giảm nghèo

Ông Nguyễn Thanh Bình cho hay, chính sách giảm nghèo cần được xem là động lực, kích hoạt yếu tố nội lực của cá nhân nhằm vượt những khó khăn, nghịch cảnh. Chính sách giảm nghèo của nhà nước chỉ có thể hỗ trợ cho người nghèo trong một khoảng thời gian nhất định để họ đủ sức đứng vững và tiếp tục lao động, sản xuất chứ không phải là trợ cấp suốt đời. Nếu chính sách giảm nghèo không nâng cao được nội lực của người nghèo thì khi chính sách kết thúc, người nghèo vẫn hoàn nghèo. Do vậy, chỉ khi người nghèo bằng sự năng động sáng tạo, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh vươn lên thoát nghèo, khi ấy chính sách giảm nghèo mới thật sự phát huy hiệu quả. Để thực hiện điều này, nhà nước cần xây dựng hệ thông chính sách nhằm kích hoạt, phát huy năng lực nội sinh của người nghèo như chính sách học nghề gắn với việc làm, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi để tổ chức sản xuất, hoạt động làng nghề, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các vùng khó khăn để giải quyết việc làm cho lao động, cho người nghèo.  

Tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức cho người dân về giảm nghèo bằng các hoạt động tuyên truyền, thảo luận, trao đổi theo hướng giúp người dân phát hiện ra và tự vận dụng nội lực để thoát nghèo bền vững. Đồng thời, khắc phục tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, trao quyền và tìm hiểu, lắng nghe tiếng nói của người nghèo, xem đây là tiền đề quan trọng để thực hiện giảm nghèo bền vững, bên cạnh những hỗ trợ mang tính "xúc tác" của nhà nước.

Đặc biệt, An Giang có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào công tác giảm nghèo. Chính sách giảm nghèo bền vững thực sự mang lại hiệu quả khi nó kết hợp được các thành phần: Nhà nước - Doanh nghiệp - chủ thể của chính sách - cộng đồng. Trong chuỗi liên kết này, Nhà nước đóng vai trò trụ cột trong việc ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... ở những vùng nghèo, vùng kinh tế khó khăn, vùng dân tộc; với điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp đó phải tham gia giải quyết việc làm cho lao động địa phương, cho người nghèo.

“Đối với tỉnh nông nghiệp như An Giang để giảm nghèo bền vững phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, lấy tổ chức lại sản xuất làm nền tảng, lấy ứng dụng, thành tựu khoa học công nghệ làm khâu đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu để đẩy mạnh tăng trưởng trong nông nghiệp - thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Duy trì tăng trưởng kinh tế và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội là động lực để giảm nghèo bền vững. Chiến lược giảm nghèo được xây dựng trên cơ sở tích hợp, lồng ghép với các chính sách an sinh xã hội”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm giảm nghèo địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, chính sách giảm nghèo không thể áp dụng hình mẫu chung, mà nó được đúc kết từ thực tiễn thông qua các mô hình giảm nghèo có hiệu quả dựa trên điều kiện tự nhiên xã hội, tiềm lực của từng vùng, miền, từng dân tộc. Do vậy, việc trao quyền cho địa phương chủ động lồng ghép, điều phối chính sách giảm nghèo riêng cho từng nhóm đối tượng nghèo là hết sức hợp lý, giảm thiểu sự lãng phí nguồn lực và góp phần giảm nghèo bền vững.  

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh