THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:24

Khuyến cáo không tái đàn trong thời điểm có dịch tả lợn châu Phi


Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, tính đến cuối tháng 7/2019, tại An Giang, 9/11 huyện, thị xã thành phố đã công bố dịch tả lợn châu Phi như: Long Xuyên, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú, Tân Châu, An Phú và huyện Phú Tân.

Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, với tình hình diễn biếp phức tạp của dịch tả lợn châu Phi như hiện nay, dự báo đến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ thiệt hại khoảng 20% tổng đàn lợn hiện có; ước thiệt hại khoảng 21.000 con, tương ứng với số tiền khoảng 48 tỷ đồng. 

Để khôi phục, tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian tới, ông Hiệp cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ giảm dần số lượng đàn lợn ở mức 80% tổng đàn so với năm 2018. Dự kiến, tổng đàn lợn của tỉnh đến cuối năm 2019 đạt khoảng 81.200 con.

 

 - Ảnh 1

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Tân Hòa (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Ảnh: Công Mạo/TTXVN


Sở NN&PTNT tỉnh An Giang khuyến cáo các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh khi xuất bán, không nên tái đàn để tránh thiệt hại cũng như hạn chế dịch bệnh tái nhiễm, bùng phát trở lại. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị các hộ chăn nuôi tạm thời ngưng thực hiện tái đàn cho đến khi dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh ổn định và có chủ trương, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Tỉnh sẽ có chính sách chuyển đổi ngành  nghề đối với các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.

Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân có lợn mắc bệnh bị tiêu hủy theo quy định.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi xuất bán lợn khi đạt trọng lượng trên 80kg; vận động các tổ chức, cá nhân thu mua, giết mổ, phân phối sản phẩm từ lợn tích cực tham gia và cam kết hỗ trợ mua lợn của người chăn nuôi địa phương, thu mua với giá thị trường, không ép giá người chăn nuôi, hạn chế thu mua lợn thịt có nguồn gốc ngoài tỉnh.

Sở NN&PTNT Phú Thọ cho biết, tính đến ngày 7/8, toàn tỉnh có đã có 21 xã công bố hết dịch; 31 xã công bố đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi mới. Theo đánh giá, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm bớt, số ổ dịch mới phát sinh giảm từ trên 40 ổ/ngày xuống còn khoảng từ 15 đến 20 ổ/ngày.

Như vậy, hiện toàn tỉnh vẫn còn 146 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thành, thị đã công bố dịch chưa qua 30 ngày. 

Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, người chăn nuôi và chính quyền các địa phương vẫn cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh; siết chặt việc kiểm soát giết mổ; kiểm dịch động vật trước khi xuất bán...

Hiện nhiều huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang tiến hành chi trả hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do lợn mắc dịch tả lợn châu Phi với mức hỗ trợ bằng 80% giá thị trường thịt lợn hơi. Các hộ có lợn nái, lợn đực giống đang khai thác mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, được hỗ trợ bằng mức 1,5 lần so với mức hỗ trợ lợn con, lợn thịt các loại; trong đó, ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 70%, cấp huyện hỗ trợ 30% tổng mức hỗ trợ.

Theo TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh