THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:08

Khung giá đất 5 năm một lần 'chưa tiệm cận với giá thị trường'

UBND TP. HCM vừa đề xuất các Bộ báo cáo Thủ tướng việc bãi bỏ quy định khung giá đất tối thiểu, tối đa ban hành 5 năm một lần. 

Thành phố này cho rằng: khung giá đất hiện nay thấp hơn giá thị trường, nhưng lại là cơ sở để thực hiện xây dựng bảng giá đất. Từ đó, dẫn đến bảng giá đất chưa tiệm cận với giá thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM - HoREA) cho biết, Hiệp hội thống nhất với UBND TP về kiến nghị bãi bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần" tại Điều 113 Luật Đất đai, theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Chủ tịch HoREA cho rằng cơ chế xây dựng khung giá đất và bảng giá đất, quy định tại Khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013, là không phù hợp, thậm chí mâu thuẫn, xung đột với nguyên tắc giá đất "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường" được quy định tại Điều 112 Luật Đất đai 2013, về "nguyên tắc, phương pháp định giá đất".

Việc không được quy định mức giá thấp hơn mức giá tối thiểu của "khung giá đất", đã dẫn đến một số căn nhà có vị trí đất thuộc các hẻm sâu (hẻm của hẻm của hẻm; ngách sâu) "bị" tính tiền sử dụng đất cao hơn so với trước đây, kể từ ngày Luật Đất đai có hiệu lực (1/7/2014).

Theo ông Châu, dù Khoản 1 Điều 9 Nghị định 44/2014/NĐ-CP đã quy định việc điều chỉnh khung giá đất "khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong khung giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất", song nhiều năm qua Hiệp hội chưa thấy Bộ Tài nguyên Môi trường hoặc các địa phương trình Chính phủ thực hiện điều chỉnh khung giá đất.

Dẫn chứng việc bảng giá đất chưa tiệm cận với giá thị trường, ông Châu chỉ ra, theo cách tính của khung giá đất, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất, hiện giá đất của 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) là 405 triệu đồng/m2.

Song, trên thực tế giá đất thị trường của 3 tuyến đường này lên đến hơn 1 tỷ đồng/m2.

Trong lúc chưa sửa đổi Luật Đất đai, HoREA kiến nghị Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thí điểm giao thẩm quyền cho HĐND, UBND TP. HCM chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất, đảm bảo nguyên tắc giá đất "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".

Điều 112. Nguyên tắc, phương pháp định giá đất

1. Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá;

b) Theo thời hạn sử dụng đất;

c) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất;

d) Cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.

2. Chính phủ quy định phương pháp định giá đất.

Điều 114. Bảng giá đất và giá đất cụ thể

1. Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ.

Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.

Trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất ít nhất 60 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự thảo bảng giá đất đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất xem xét, trường hợp có chênh lệch lớn về giá đất giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Kỳ Hoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh