CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:04

Khúc vĩ thanh cho Thương Tín

 

Cuốn hồi ký: “Thương Tín - Một đời giông bão” mới ra mắt bạn đọc hơn tháng, nhưng nhiều tháng trước, nó đã xôn xao dư luận, được nhiều người đổ xô vào khai thác. Họ đào xới, moi móc tất thảy mọi góc cạnh. Từ đó nhiều bài viết, tác phẩm cứ rầm rộ, ồ ạt tuôn trào trên các loại hình báo chí. Tôi đồ rằng, mấy tháng qua nghệ sĩ Thương Tín cũng không nhớ  ông đã phải trả lời bao nhiêu cuộc phỏng vấn;  tôi cũng tin rằng ông chưa đọc hết và không đủ thì giờ để chiêm nghiệm, suy tư những  bài viết về ông gần đây. Nếu có đọc, chắc ông vừa đọc, vừa nhếch môi cười khẩy. Bởi nhiều bài  đăng trên các báo  khác nhau, nhưng nội dung cứ na ná giống nhau, có khác chỉ là hơn nhau bột canh, giấm, ớt. Nhưng chắc ông cũng chẳng giận, việc họ vơ chỗ này, vét chỗ kia chuyện đời ông, nhào nặn thành tác phẩm báo chí để câu viu, mồi chài người đọc. Cái rẻ rúng, xoàng xĩnh ấy trong điều kiện hiện tại lại  thành trợ thủ đắc lực giúp cuốn hồi ký của ông “xuôi chèo, mát mái”. Nhất cử lưỡng tiện!

Cuộc “ăn theo” không chỉ nhằm vào cuộc đời của Thương Tín, mà còn lấn sang nhiều nhân vật có mặt trong “Thương Tín - Một đời giông bão”. Nhầm lẫn về cái vô tư, thoải mái, hồ hởi của một số người, nên có  diễn viên vô tư phát ngôn: “Tôi không chỉ rủ anh Tín, mà còn rủ nhiều người ngủ cùng”. Câu nói trên trở thành tít của nhiều bài báo. Nhưng ở đời, ai thấu được chữ ngờ. Như bão, dù có cuồng phong dữ dội đến mấy rồi cũng tan, hết mưa là nắng hửng lên thôi. Người viết cạn vốn, người đọc đã no đủ thông tin, một đời giông bão của Thương Tín theo thời gian lắng dần. Hết nạc, người ta vạc đến xương Thương Tín, và khi cái xương không còn giá trị lợi dụng, Thương Tín biến thành Giận Tín, Ghét Tín. Giờ đây giông bão không phải từ bên trong, mà từ bên ngoài  dội thẳng vào Thương Tín.

Nếu như trước đây để có thông tin, có người lễ phép thưa anh, xin anh, mong anh,... với Thương Tín, thì nay người ta xổ ra hàng tràng nghi vấn: Thương Tín, ăn mày dĩ vãng, hay bắn súng lục vào quá khứ?. Cuốn hồi ký viết trắng trên đen, hay đen trên trắng?. Không những thế, nhận xét về cuốn hồi ký, có người xổ toẹt: Đây là chân dung ăn chơi, tình ái nhằng nhịt và không rõ ràng, đạp lên nhiều ranh giới của những điều không tốt đẹp. Có kẻ lại bĩu môi, một cuốn sách rác về đạo đức;... Không những thế có người còn viện dẫn Điều 22, Luật Xuất bản; Nghị định 111/2005/NĐ-CP của Chính phủ để soi xem cuốn hồi ký của Thương Tín  vi phạm pháp luật ở điểm nào để “ra đòn”, dương oai !.

Có lẽ trong sáu mươi năm cuộc đời, tự cho là giông bão của mình, nghệ sĩ Thương Tín cũng không ngờ cuộc sống lại nghiệt ngã đến thế, quay quắt và trái ngang  đến thế. Chắc ông đang tự vấn, sao họ bảo yêu mình, quý mình, mến mộ tài năng của mình, mà lúc hồi ký chưa in, họ không cảnh báo những điều trên, giờ đây ván đã thành thuyền, thuyền đã rời bến, họ mới vạch, mới chỉ, mới bảo ban, dạy dỗ, thậm chí còn lên giọng răn đe (!).

Nghệ sĩ già bây giờ mới ngấm, mới tỉnh. Cả đời được cho là giông bão của cá nhân ông cũng chẳng thấm tháp gì so với cơn gió thoảng bên ngoài cuộc đời.         

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh