CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:10

Khúc tráng ca bên ngoài sân cỏ Việt

Trong năm 2014, cái nóng hừng hực bên ngoài sân cỏ của bóng đá Việt nói riêng và thể thao Việt nói chung được nhen nhóm, khuấy lên từ sự bất ngờ của tuyển U19 quốc gia. U19 hâm nóng bóng đá Việt nhờ một số cầu thủ có kỹ thuật bài bản, đá đẹp, tinh nhanh, nhưng nguyên nhân chính là do  huấn luyện viên và đa phần cầu thủ U19 thuộc Học viện bóng đá Hoàng Anh-Gia Lai-Arsenal JMG của bầu Đức lắm tiền nhiều của, nhiều mưu mẹo trên thương trường và dày dạn trong kinh doanh bóng đá.

Trình làng đầy ấn tượng ở giải U19 Đông Nam Á 2013, làm dậy sóng dư luận, đến nỗi đài truyền hình quốc gia từ thờ ơ, hờ hững với giải đấu, trước cái nóng của công luận cũng phải xông vào. Rồi khi giải U19 tứ hùng được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh dịp cuối năm 2013, đã tiếp thêm lửa, cho cái nóng ấy vắt sang năm 2014 bằng chuyến tập huấn dài ngày ở châu Âu và tham gia giải U19 hữu nghị Đông Nam Á mở rộng ở SVĐ Mỹ Đình.

Cổ động viên nhiệt thành cổ vũ.

Những tưởng bếp lửa U19 bị mất đi một ít củi tại giải U19 châu Á ở Myanmar, sức nóng của U19 sẽ giảm, bởi thực lực đã lộ, giấc mơ châu lục, thế giới vẫn còn... xanh lắm! Nhưng sức nóng của U19 vẫn đủ để SVĐ Cần Thơ 5 vạn chỗ ngồi luôn chật kín khán giả xem U19 thi đấu. Và U19 lúc này mang thương hiệu Hoàng Anh-Gia Lai đã không làm người hâm mộ thất vọng khi thắng một cách thuyết phục U21 Thái Lan trong trận chung kết giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên.

Năm 2014, bàn chân của các cầu thủ U19 đi tới đâu, giới truyền thông theo tới đó. Từ đất Âu xa xôi cho đến vùng đất Myanmar còn nhiều gian khó. Lượng phủ sóng thông tin của U19 trên các báo đài làm cho nhiều người lầm tưởng thể thao Việt chỉ có...mỗi  U19. Cho dù ở Á vận hội tuyển U23 và đội bóng đá nữ quốc gia chơi khá thành công (U23 lọt vào top 16, đội tuyển nữ lọt vào top 8). Nhưng vẫn phải lùi vào phía sau bởi bản đồng ca U19 lấn át.

Được truyền thông Việt “o bế cưng nựng”, vậy mà U19 chỉ chơi đẹp mắt ở những giải đấu hữu nghị, đấu tập, còn đều ngã gục trước “ngưỡng cửa Thiên đường” (chữ hay dùng của báo chí Việt) ở những giải đấu chính thức.  Mấy lần U19 có mặt ở trận chung kết đều phải về...nhì.

Buồn nhất là giải vô địch U19 châu Á. Giải này không những tranh Cup Vàng mà còn chọn 4 suất dự giải U20 thế giới năm 2015. Sự tung hô của truyền thông không thể biến con cá basa thành con cá kình, con rắn nước thành con rồng huyền thoại. Quen sống ở ao, U19 chưa đủ sức ra sông, ra biển.

Công Phượng đã gây “bão” trong năm phần lớn là do truyền thông.

Vui với hội làng, vui với sân đình, những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... tạo được dấu ấn đậm sâu trong lòng người hâm mộ. Những gì các cầu thủ làm được trong nhiều tháng qua rất đáng được trân trọng và ghi nhận. Ít nhiều, nó thắp lên hy vọng cho người hâm mộ về tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà.

Tuổi 17-18-19 trở thành người của công chúng, lại được các nhà báo, phóng viên quan tâm đặc biệt nên trên sân tập hay trong sinh hoạt hàng ngày các cầu thủ U19  cũng phải giữ từng li từng tí.

Không còn cái hồn nhiên vô tư thoải mái của tuổi học trò. Như một vị quản lý tuyển U19 cho biết: “Các cháu phải giữ ý, giữ tứ kinh lắm. Nếu vô tình lộ ra cái gì đó quá trớn của tuổi “Nhất quỷ nhì mà thứ ba học trò” mà các phóng viên chộp được, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Sống trong cộng đồng, các cầu thủ trẻ cũng không thoát được  cái hỷ, nộ lúc vui, lúc buồn, khi trồi, khi sụt. Vĩ nhân cũng là con người, ngọc còn có vết. Có lẽ thế nên nhiều người thấy ngợi ca mãi cũng nhàm, nên cố đi tìm mặt trái. Không mất cơ hội khi không khí bóng đá U19 còn hừng hực, một số người nhào đi tìm “chân đèn” của các nhân vật nổi tiếng, và Công Phượng bỗng nhiên thành “vật tế thần”.

Không chỉ làng bóng đá Việt “sốc” với tin Công Phượng 21 tuổi, mà các cấp chính quyền, cơ quan tư pháp, cái quê hẻo lánh của Công Phượng cũng nóng lên bởi những người mang máy ảnh, máy quay phim lùng sục tìm kiếm  cái gọi là sự thật. Điều đáng nói thông tin trên không phải báo cấp 3, cấp 4 đưa, mà lại từ đài truyền hình quốc gia.

Chứng cứ gồm giấy khai sinh, hộ khẩu, cả học bạ, tẩy xóa lèm nhèm, không rõ ràng, không ghi đầy đủ theo quy định; rồi ý kiến của vài người dân kẻ nhớ, người không, mơ hồ mông lung. Thêm vào đó bóng đá Nghệ An mấy năm trước đã dính “tiền án” gian lận tuổi ở các đội trẻ, việc gian lận tuổi của Công Phượng cũng có thể...

Công Phượng im lặng, còn ông chủ của Công Phượng cũng dè dặt với các thông tin. LĐBĐ Việt Nam vào cuộc khẳng định rằng Công Phượng 19 tuổi. Nhưng đài truyền hình quốc gia vẫn không bỏ cuộc, truy đến cùng. Không những thế có nhà báo còn tìm ra mộ anh trai Công Phượng chết đuối hơn 10 năm trước không thấy bia mộ, làm lu loa: Có thể ai đó đã “ăn cắp” bia mộ để đỡ “đòn” cho Công Phượng?(!). Thật kinh! Càng kinh hơn khi biên tập viên nhà đài sau khi chứng minh như đinh đóng cột rằng Công Phượng 21 tuổi, và cao giọng khuyên Công Phượng hãy dũng cảm tự thú để nhận được sự khoan hồng???

Đầu tháng 12/2014 Sở Tư pháp Nghệ An có thông báo  kết luận kiểm tra: Công Phượng sinh ngày 21/1/1995. Ngẫm câu của người xưa: “Chưa đánh được người mặt đã như vang. Đánh được rồi mặt vàng như nghệ”, sao mà đánh đúng với tâm trạng của những mấy người soi mói tuổi Công Phượng. Thế mới thấy dùng cái tôi hèn hạ, động cơ không trong sáng thì dù có phê bình trúng, phê bình đúng cũng không được nhân dân hưởng ứng.

Chuyện tuổi Công Phượng lắng xuống, bóng đá Việt Nam lại vào cuộc chinh phục Cúp Vàng Đông Nam Á. Nhận định nước đôi, dè dặt là khúc dạo đầu của các chuyên gia, bình luận viên, nhà báo thể thao. Cũng đúng thôi, bởi rất nhiều lần họ đã lâm vào cảnh “nói trước bước không qua”.

Còn nhớ hơn chục năm trước, hàng ngàn cổ động viên Việt đổ bộ vào đất Thái để cổ vũ cho đội tuyển. Màu đỏ rực rỡ nhuộm cả khán đài. Dù vào bán kết với tư thế nhất bảng, nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn bị nốc ao ở bán kết và cả trận tranh giải ba ngậm ngùi trắng tay giải ấy. Trước khi bị sa thải, huấn luyện viên Afred Rield (người Áo) có câu nổi tiếng: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.

Không dám mạnh lời còn do bóng đá Việt hiện không có cầu khủ nào xứng đáng làm thủ lĩnh, không có cầu thủ tài năng để có thể lóe sáng làm thay đổi cục diện trận đấu. Hầu hết đều có trình độ làng nhàng, phong độ sụt sồi, vậy nên có người tỉnh táo đã gọi huấn luyện viên Toshiya Miura (người Nhật) là “thợ hàn”.

Nhờ sự thận trọng, im ắng của truyền thông, đội tuyển bình tâm chơi bóng với thực lực của mình. Sau trận hòa tuyển Indonesia và thắng tuyển Lào 3-0 giới truyền thông vẫn chê nhiều hơn khen. Nhưng khi thắng tuyển Philippines để đứng đầu bảng, như lò xo hàng ngàn sức ngựa bị kìm nén lâu ngày, truyền thông bật phóng.

Nỗi buồn của các cầu thủ sau trận thua tuyển Malaysia.

Những lời ngợi ca tung hô như triều dâng, như thác đổ. Đỉnh cao của bản đại hùng ca ấy là sau trận bán kết lượt đi thắng tuyển Malaysia trên sân khách, đội tuyển được các bình luận viên bóng đá, các phóng viên thể thao mặc cho chiếc áo vinh quang  sặc sỡ, muôn màu.

Bị truyền thông thôi miên, hàng ngàn cổ động viên đi xe đò, xe ôm vượt 3-4 trăm cây số, thậm chí có những người ở  các tỉnh phía nam, đồng bằng sông Cửu Long vượt cả ngàn cây số đến sân Mỹ Đình để được trực tiếp cổ vũ, trực tiếp chứng kiến, đội tuyển thắng trận bán kết lượt về, hùng dũng bước vào trận chung kết.

Chính quyền, công an TP. Hà Nội sợ sau khi trận thắng của đội tuyển, một số cổ động viên quá khích ăn mừng chiến thắng dẫn đến gây rối, đua xe đã huy động một lực lượng hùng hậu để đối phó. Sau trận đấu, lực lượng này tuy buồn với đội tuyển, nhưng lại thở phào nhẹ nhõm vì “thất nghiệp”.Một trận đấu bạc nhược, một trận thua bẽ bàng khó tin của đội tuyển, đã đưa bóng đá Việt Nam về đúng chỗ. Các bình luận viên, các phóng viên thể thao cũng âm thầm rút ra được nhiều bài học cay đắng.

Còn nhớ khi báo chí tranh nhau khen Công Phượng. Mẹ của cầu thủ này run run nói: “Đừng khen nhiều làm khổ hấn (nó)”. Dẫu là người quanh năm đầu tắt, mặt tối chỉ biết ruộng, vườn, con gà, con lợn ở vùng quê nghèo hẻo lánh, chắc bà đã nhìn thấy những giọt đắng trong những lời khen ngọt ngào “một tấc lên giời ấy”. Sự van xin của mẹ Công Phượng quả không thừa...

Lê Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh