THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 07:16

“NỐI VÒNG TAY LỚN”

Khúc ca thống nhất đất nước hòa hợp dân tộc

Khúc ca đầu tiên vang lên trên đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975

“Nối vòng tay lớn” chính là bài hát đầu tiên, do tác giả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát “chay” (không có đàn) vang lên trên sóng phát thanh Đài Phát thanh Sài Gòn, ngay sau khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng và Trung tá, Chính ủy Bùi Văn Tùng, đại diện Quân Giải phóng đọc lời chấp nhận vào 13 giờ 20 phút ngày 30/4/1975 lịch sử.

– NS Trịnh Công Sơn với ca khúc “Nối vòng tay lớn”.

– NS Trịnh Công Sơn với ca khúc “Nối vòng tay lớn”.

Trong bài báo “30/4/1975, Trịnh Công Sơn và tôi” (30/4/2010), kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái viết: “Nhóm sinh viên chủ động tự biên tự diễn chương trình phát thanh, chủ yếu làm sao đưa ra được lời tuyên bố đầu hàng của tướng Minh, thông báo chính sách của chính quyền cách mạng đối với vùng mới giải phóng nhằm trấn an dư luận dân chúng Sài Gòn, vùng đồng bằng sông Cửu Long, các hải đảo. Xen kẽ vào các lời đã ghi âm sẵn phát đi phát lại trên, chúng tôi tranh thủ kêu gọi đại diện đồng bào các giới đến lên tiếng trên sóng phát thanh. Về phía nghệ sĩ thì nhạc sĩ Nguyễn Đức là người lên tiếng đầu tiên chào mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc và kêu gọi anh chị em nghệ sĩ hợp tác với chính quyền cách mạng. Có lẽ do nghe tiếng nói những người quen như tôi và nhạc sĩ Nguyễn Đức mà Trịnh Công Sơn đã mạnh dạn xuất hiện”.

Sau lời kêu gọi của nhạc sĩ Nguyễn Đức, khoảng hơn 3 giờ chiều, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mặt tại Đài Phát thanh Sài Gòn và được người dẫn chương trình, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái mời nói đôi lời trên sóng phát thanh. Được phát biểu trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất vui mừng cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em văn nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta. Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này. Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm may chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó. Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước. Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này”.

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ.

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ.

Ngay sau đó, dù không có đàn ghi ta đệm, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn hào hứng cùng với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và một số sinh viên có mặt ở đài cất cao tiếng hát “Nối vòng tay lớn”. Tiếng hát “chay” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc đầu còn ngập ngừng, nhưng về sau với sự góp giọng của nhiều anh em khác càng trở nên xôi động, hào hứng. Trong giây phút ước mơ thống nhất đất nước đã thành hiện thực, tất cả những người có mặt tại Đài Phát thanh Sài Gòn khi đó như vỡ òa niềm vui hạnh phúc. Lời ca khúc không phân biệt “bên thắng cuộc” hay “bên thua cuộc” cứ thế vang lên thật hào hùng, thật thiêng liêng, bởi từ giờ phút lịch sử này chiến tranh đã chấm dứt, Bắc, Nam thật sự sum họp một nhà.“Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam…”. Đây chính là bài hát đầu tiên được phát trên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn vào chiều ngày 30/4/1975. “Nối vòng tay lớn” và đôi lời phát biểu ngắn gọn mà có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có tác động mạnh mẽ làm chùng tay súng, hóa giải hận thù, tô đậm thêm niền vui gặp nhau “mừng như bão cát quay cuồng ”.

Ngân vang mãi khát vọng thống nhất hòa hợp dân tộc

Theo một số tư liệu báo chí xuất bản ở Sài Gòn trước 1975, ca khúc “Nối vòng tay lớn” được nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1968, với tên gọi ban đầu là “Tiếng hát dã tràng ca”. Ca khúc này được danh ca Khánh Ly thể hiện và thu âm lần đầu trong cuốn băng “Hát cho quê hương Việt Nam” vào năm 1969. Năm 1970, ca khúc “Nối vòng tay lớn” mới thực sự được phổ biến và hát vang lên tại trại hè dành cho giới thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam (còn gọi là trại “nối vòng tay lớn”) được tổ chức tại Huế từ ngày 24 - 25/4/1970, do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa đệm đàn vừa hát. Nhạc và lời ca khúc “Nối vòng tay lớn” được in trong tập nhạc “Kinh Việt Nam”, với 12 ca khúc có nội dung tư tưởng phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ra mắt năm 1970. Từ đó ca khúc “Nối vòng tay lớn” đã được tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh nhiệt liệt đón nhận và trở thành ca khúc chính trong các cuộc xuống đường đấu tranh của họ ở khắp các đô thị miền Nam trước 1975. 

Từ sau 30/4/1975 ca khúc “Nối vòng tay lớn” mới được nhiều người miền Bắc Việt Nam biết đến và luôn vang lên khi mở đầu hay kết thúc các chương trình, sự kiện sinh hoạt các đoàn thể và được biểu diễn khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, trên các sân khấu lớn nhỏ, trên sóng đài phát thanh, đài truyền hình. Âm nhạc, ca từ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thể hiện gửi gắm trong “Nối vòng tay lớn” thực sự đã chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam luôn khát khao thống nhất đất nước, hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (trái) và kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (phải) năm 1980.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (trái) và kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (phải) năm 1980.

Tư tưởng trong ca khúc “Nối vòng tay lớn” đầy tính nhân văn với sự kết nối mọi số phận, cảnh ngộ con người Việt Nam, kết nối mọi không gian từ thành phố lớn đến thôn quê nghèo và kết nối cả tâm linh âm dương cách biệt. Từng bàn tay nắm nối bàn tay thành một vòng tay lớn, nhiều vòng tay nối lại thành một khối thống nhất không gì chia cắt được, để những nụ cười nối mãi trên môi của tất cả người dân đất Việt thiêng liêng. “Cờ nối gió đêm vui nối ngày/ Dòng máu nối con tim đồng loại/ Dựng tình người trong ngày mới/ Thành phố nối thôn xa vời vợi/ Người chết nối linh thiêng vào đời/ Và nụ cười nối trên môi.”

Ra đời từ năm 1968, là thời điểm cuộc chiến đang trong giai đoạn ác liệt và nhiều hy sinh mất mát, nhưng với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, những ca từ xuyên suốt “Nối vòng tay lớn” đều mang thông điệp có tính tiên tri về ngày thống nhất đất nước và tinh thần hòa hợp dân tộc Việt Nam. Qua ca từ của “Nối vòng tay lớn” mọi người dân nước Việt dù ở trong hay ngoài nước, dù cho có bất kỳ biến cố nào xảy ra thì non sông Việt Nam vẫn mãi liền một dải, dân tộc Việt Nam luôn đồng lòng đoàn kết kề vai sát cánh bên nhau cùng đấu tranh, xây dựng một nước độc lập, phần vinh. Để có được như thế là một hình trình dài của dân tộc đã đi từ Bắc vô Nam, từ núi rừng đến biển khơi, từ thôi quê nghèo đến thành phố lớn mà tranh đấu dù có phải hy sinh.“Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay/ Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi/ Vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo/ Từ quê nghèo lên phố lớn nắm tay nối liền/ Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh”.

Ca khúc “Nối vòng tay lớn” được đưa và trong sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ Thuật lớp 9 (THCS), nhằm mục đích giáo dục các thế hệ học sinh về lịch sử dân tộc và cổ vũ tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, ca khúc “Nối vòng tay lớn” đã được Richard Fuller (Mỹ) dịch ra tiếng Anh với tên gọi “Great Circle of Vietnam”. Nhờ đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obamatrong bài phát biểu trước giới trẻ Việt Nam đã chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng lạc quan vào tương lai quan hệ hai nước. Niềm tin của chúng tôi chính là tin vào tình hữu nghị của chúng ta. Như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Nối vòng tay lớn”.

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh