Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa: Soi đèn cho con thấy đường về
- Tây Y
- 19:31 - 15/01/2016
Hình ảnh người mẹ thắp lửa tưởng nhớ những người con đã quên mình vì Hoàng Sa - Ảnh: TLĐLĐVN cung cấp
“Người mẹ thắp lửa”
Ngày 17/1, tại khu vực núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức lễ đặt viên đá, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa có tên “Người mẹ thắp lửa” do kiến trúc sư Trần Văn Dũng, Công ty CP tư vấn đầu tư bất động sản Việt Tín thực hiện, được chọn từ 100 bản vẽ, 5 mô hình, 21 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng công trình của 21 đơn vị, tập thể và cá nhân tham gia, trong cuộc thi phác thảo đồ án thiết kế xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa cách đây một năm, do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.
Kề vai sát cánh đưa Hoàng Sa về với đất mẹ
Theo bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi kiêm Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, trải qua các thời kỳ lịch sử, Lý Sơn là nơi tập trung dân binh góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngày nay, trong tâm thức của người dân Việt Nam, Lý Sơn là tuyến đầu của Tổ quốc. Vì vậy, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và sâu sắc không chỉ đối với cán bộ và nhân dân Lý Sơn mà còn đối với cán bộ, nhân dân và công nhân lao động cả nước để tưởng niệm, tri ân và biết ơn những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Máu của những người con đất Việt dù trong hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự trọn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Ghi nhận công ơn to lớn này là việc làm rất cần thiết của cộng đồng và xã hội.
Thả thuyền câu tượng trưng ra biển, nghi thức quan trọng của lễ Khao lề - Ảnh: Hiển Cừ
“Với chức trách là Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, tôi vô cùng xúc động trước tình cảm to lớn của nhân dân cả nước đang tập trung hướng về Hoàng Sa-Lý Sơn”, bà Vân bày tỏ và nói rằng từ hàng trăm năm nay, Lý Sơn luôn gắn liền với Hoàng Sa. Đã có biết bao xương máu của lớp lớp dân binh đổ xuống từ thời ra đi mở cõi, cắm mốc, dựng bia để khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bằng chứng sinh động nhất là hiện trên đảo có các di tích gồm: Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, đình làng An Vĩnh và An Hải là thờ tự, tưởng nhớ các vong linh của các hùng binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được bao thế hệ người dân đất đảo kế tục, gìn giữ lưu truyền từ hàng trăm năm qua.
Cũng theo bà Vân, thời gian qua, nhất là từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn. Nhiều tàu cá bị Trung Quốc xua đuổi, thậm chí có tàu cá bị đâm chìm, cuộc sống mưu sinh bám biển, tính mạng của người dân bị đe dọa nghiêm trọng. “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa là sự thể hiện cả nước luôn đồng hành, kề vai sát cánh trong hành trình đưa Hoàng Sa trở về với đất mẹ Việt Nam. Đây là nguồn động viên rất lớn để bà con ngư dân Lý Sơn yên tâm tiếp tục bám biển và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhắc nhở thế hệ mai sau về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông, đồng thời gửi thông điệp gửi đến thế giới rằng: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, bà Vân nhấn mạnh.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
2 tháng trước
Tin nên đọc