Khu kinh tế Nghi Sơn: “Cánh chim đầu đàn” của nền công nghiệp Thanh Hoá
- Huyệt vị
- 21:51 - 15/10/2021
Khu kinh tế Nghi Sơn – động lực phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hoá
Theo quy hoạch điều chỉnh, mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng Nghi Sơn đươc mở rộng từ 3 khu vực chính (khu bến cảng chuyên dụng, khu bến cảng tổng hợp, khu bến cảng container) với 48 cầu tàu lên khoảng 60 cầu tàu; nâng cấp khả năng tiếp nhận cỡ tàu từ 50.000 DWT lên từ 70.000 – 100.000 DWT và cảng Nghi Sơn sẽ là cảng đa tính năng, cảng biển lớn nhất Bắc Trung bộ.
Hiện tại, cảng Nghi Sơn đã có 21 bến đi vào hoạt động. Ngoài ra, khu cảng container (10 bến) đã chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện đang triên khai xây dựng. Tháng 5-2019, Tập đoàn CMA – CGM (Pháp) đã khai trương tuyến vận tải container quốc tế. Cảng Lễ Môn liên tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo, đến nay lượng hàng thông qua cảng đạt khoảng 500 nghìn tấn/năm. Bộ GT-VT đã cho phép Cảng Lễ Môn khai thác tiếp nhận tàu đến 3.000 DWT giảm tải.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó mục tiêu bao quát nhất là đến năm 2030 Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; tầm nhìn đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Do đó, đầu tư xây dựng phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn là mấu chốt đồng thời cũng là giải pháp để tỉnh Thanh Hóa đạt được mục tiêu trên. KKT Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 5 KKT trọng điểm để đầu tư phát triển giai đoạn 2013 - 2015 và là một trong 8 nhóm KKT ven biển trọng điểm của cả nước để tập trung đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII, XVIII xác định là một trong 5 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Được sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của tỉnh Thanh Hoá, KKT Nghi Sơn đã và đang khẳng định được là một trong những KKT ven biển hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Đến nay, KKT Nghi Sơn có 234 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 131.802 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12,7 tỷ USD; trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, 2; Nhà máy xi măng Nghi Sơn; Liên hợp luyện cán thép; các bến cảng...Giai đoạn 2016 – 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại dịch vụ đạt 390.413 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 3.713 triệu USD; thu ngân sách đạt 51.863 tỷ đồng (năm 2020 dự kiến thu ngân sách khoảng 17.000 tỷ đồng, bằng 61,3% so với cả tỉnh), giải quyết việc làm cho 37.000 lao động....
Sự phát triển của KKT Nghi Sơn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giải quyết nhiều việc làm, tạo đà tăng trưởng bền vững và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá.
Phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển KKT Nghi Sơn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn tồn tại dự án chậm tiến độ; công tác lập quy hoạch phân khu chức năng còn chưa kịp thời; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội còn thiếu và yếu; Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc... Nguyên nhân chủ yếu do: Một số nhà đầu tư chưa tập trung triển khai thực hiện dự án theo cam kết; Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư hàng năm còn hạn hẹp. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định đối với các lĩnh vực quản lý, xây dựng và phát triển KKT còn chồng chéo, bất cập...
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định phương hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành một cực tăng trưởng mới trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế. Trong đó, KKT Nghi Sơn là trung tâm động lực phía Nam, chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN tiếp tục được lựa chọn là một trong 6 chương trình trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 đồng thời xác định rõ: Xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.
Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Tiến Hiệu cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu trong thời gian tới Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục chọn cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội của đội ngũ cán bộ, công chức; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu công nghệ thông tin trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý hồ sơ công việc; xây dựng nền "hành chính phục vụ", lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu hành động”.
Được biết, trong thời gian tới, Khu KT Nghi Sơn tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn (vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, PPP, ODA, vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp...) để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT. Trước mắt cần phải triển khai ngay một số dự án trọng điểm như: Nạo vét luồng vào cảng Nghi Sơn, đầu tư các tuyến giao thông trục chính và chỉnh trang, cải tạo hệ thống cây xanh dọc các tuyến đường đảm bảo xanh - sạch - đẹp… Phối hợp chặt chẽ với thị xã Nghi Sơn và các huyện Nông Cống, Như Thanh tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư theo hướng thiết thực, có trọng tâm trọng điểm, định hướng tập trung vào các thị trường, đối tác có tiềm năng và thế mạnh; Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; Tranh thủ tối đa cơ hội dịch chuyển nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á do ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Thường xuyên rà soát, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án đầu tư; kiên quyết thu hồi những dự án không có khả năng triển khai, cố tình chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai, để giao cho nhà đầu tư có năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật.Khẩn trương triển khai lập và trình phê duyệt các Đồ án quy hoạch phân khu chức năng theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để kêu gọi đầu tư.
Ưu tiên lập quy hoạch các phân khu CN và các khu đô thị, quá trình lập quy hoạch các KCN phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị và mang tính hiện đại, xanh - sạch - đẹp - thân thiện môi trường, phát triển bền vững. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi có KKT, KCN tổ chức tốt việc quản lý quy hoạch, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép đồng thời cắm mốc giới quy hoạch các tuyến đường giao thông để quản lý.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 9-6-2020 của UBND tỉnh đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ giữa cảng biển, cảng hàng không với các đầu mối vận tải hàng hóa, các trung tâm logistics, xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa và các vùng lân cận xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn. Nhanh chóng đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cảng Nghi Sơn thành cảng 1A, xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại KKT Nghi Sơn.
Tập trung đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực. Quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án. Nâng cao chất lượng đời sống người lao động.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá thông tin thêm: “Để thực hiện thành công các mục tiêu cũng như hiện thực hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề nghị Trung ương quan tâm cho phép KKT Nghi Sơn được "vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt" như: Cho phép tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn; Không áp dụng quy định tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN tại KKT Nghi Sơn. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội KKT Nghi Sơn, đáp ứng yêu cầu phát triển”.
"Phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được, với sự quan tâm của Trung ương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các Sở, Ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp, sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng KKT Nghi Sơn sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, sớm trở thành "cánh chim đầu đàn" của nền công nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, góp phần sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ đã từng căn dặn" - ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.