Không yêu cầu có ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức
- Tây Y
- 19:59 - 04/02/2020
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký Quyết định số 69/QĐ-BNV, ban hành kế hoạch xây dựng các nghị định nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật (1/7/2020).
Theo đó, việc xây dựng các nghị định phải bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, kỷ luật... đối với cán bộ, công chức, viên chức. Kế thừa quy định còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức.
Ngày 7/11/2019, tại Hội trường Quốc hội, trả lời câu chất vấn của ĐBQH: "Có nhất thiết cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi xét tuyển công chức, viên chức?", Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân xác nhận, có sự phiền hà lớn về việc văn bằng chứng chỉ. Bộ trưởng cho rằng, do quy định áp dụng từ năm 1993 đến nay, hơn 20 năm rồi, phải sửa.
“Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này vì một quyết định để 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết với Quốc hội, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay nội dung này. Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào. Còn vấn đề kiểm soát trình độ ngoại ngữ, tin học thì thi trên máy luôn, không cần yêu cầu bằng cấp, chứng nhận”, Bộ trưởng Tân nói.
Đồng thời, tích hợp các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Thu gọn đầu mối các văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện; giảm thiểu thủ tục hành chính, văn bằng, chứng chỉ; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số.
Trong đó, Nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức sẽ rà soát và quy định nhằm bảo đảm việc giảm thiểu quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức; cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch; rà soát, bổ sung các quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý để bảo đảm phù hợp với quy định mới của Đảng về công tác cán bộ; quy định chi tiết các chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số.
Về Nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức cũng được thay thế, cũng được rà soát và quy định nhằm bảo đảm việc giảm thiểu quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch; quy định chi tiết các chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, các Nghị định về đánh giá và phân loại cũng như việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức cũng được sửa đổi thay thế cho phù hợp với tinh thần của luật đã được sửa đổi.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định và các tài liệu liên quan sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ trong tháng 4/2020.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Từ năm 2020 xét nâng ngạch công chức sẽ không thêm hồ sơ, thủ tục
Mới đây, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định sẽ thay đổi thủ tục, phương thức về văn bằng, chứng chỉ trong bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức. Không để bằng cấp là gánh nặng đối với cán bộ, công chức. Trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng của ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Như vậy là chúng ta quy định về tuyển dụng công chức bằng ngoại ngữ là như nhau, còn ở từng vị trí phải có chứng chỉ văn bằng, bằng cấp khác nhau nên phải sửa cái này. Sắp tới sau khi có luật, các tổ chức phải sửa lại đặc biệt là thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26, tức là phải có tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế. Từ cấp vụ trở lên phải đạt được trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc quốc tế. Vì thế sau khi Luật Cán bộ công chức ban hành Bộ Nội vụ sẽ quy định, không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đó là vấn đề đi vào thực chất của nó là có đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư về bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên có giá trị sử dụng.Theo đó, Bộ GD&ĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo trình độ A, B, C từ ngày 15/1/2020.
Thay vào đó, Bộ sẽ thực hiện việc thi cấp chứng chỉ chung theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.