THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:42

Không nên giấu bệnh lý của trẻ

Giấu bệnh vì... sĩ diện

Cô con gái nhỏ của chị Dung ở tỉnh Bắc Ninh mắc chứng tim bẩm sinh nên sau phẫu thuật cần nhiều thời gian nghỉ ngơi và không nên vận động quá sức. Chị Dung đã trực tiếp đến gặp cô giáo chủ nhiệm để trao đổi tình hình sức khỏe của con với mong muốn giáo viên biết rõ thể trạng của cháu, để giúp bé có một sức khỏe tốt nhất.

Tuy nhiên, đến kỳ họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm thông báo: “Lớp có một trường hợp cháu M. mắc chứng tim bẩm sinh. Sau phẫu thuật chúng tôi đã phải phối hợp cùng gia đình để cháu có thể hòa nhập vui chơi học tập cùng các bạn”.

Sau câu nói của cô, tất cả mọi ánh mắt đổ dồn vào chị Dung, người xì xào, người chỉ trỏ....Tủi thân, chị Dung đứng dậy và nói luôn: “Con tôi bị bệnh tim bẩm sinh thật nhưng cháu đã phẫu thuật thành công, đến nay cháu đã hoàn toàn khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Việc tôi báo cho cô giáo biết về tiền sử bệnh tật của cháu để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nếu cô không biết và bắt cháu vận động quá sức sau phẫu thuật. Tôi không muốn mọi người thương hại...”.

Do sự thiếu tế nhị của cô giáo và sự dị nghị của mọi người đã làm cho ý tốt của chị Dung bị tổn thương. Có lẽ do lo ngại rơi vào hoàn cảnh trên nên rất nhiều phụ huynh có con bị bệnh lý nhưng không báo cho giáo viên được biết.

Không nên giấu bệnh lý của trẻ

Những trò chơi không tốt cho trẻ mắc bệnh tim.        (Ảnh minh họa).

Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, quận Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “Chúng tôi đã gặp một số trường hợp học sinh có bệnh lý nhưng phụ huynh không trao đổi với nhà trường ngay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân là do ở mức độ nhẹ nên phụ huynh muốn giấu bệnh để con được hòa nhập hoặc là do sĩ diện, không muốn cho nhà trường biết về vấn đề mà họ cho là không may mắn, chưa tốt...”. Có một số phụ huynh dù nhà trường đã mời lên hợp tác vẫn khăng khăng giấu giếm vì cho rằng con hoàn toàn bình thường.

 Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh chia sẻ: “Trường chúng tôi có một trường hợp học sinh mắc bệnh lao nhưng từ đầu năm học phụ huynh không trao đổi với nhà trường.

 Đến khi nhà trường thấy em này xin nghỉ học thường xuyên để đi khám bệnh thì mới biết được bệnh tình của em. Cũng may em mắc bệnh lao xương, không lây lan, nguy hiểm đến học sinh khác. Khi biết được nguyên nhân, nhà trường đã tạo mọi điều kiện để em vừa đi chữa bệnh, vừa đảm bảo đúng bài vở ở lớp”.

Phụ huynh và giáo viên cùng phối hợp

Gặp học sinh có vấn đề sức khỏe đòi hỏi người giáo viên phải có nhiều kỹ năng, cũng như phải kết hợp chặt chẽ với gia đình hơn để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, như trường hợp tử vong của một học sinh lớp 6 có tiền sử động kinh sau khi bị cô giáo phạt mới đây.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, với những học sinh có vấn đề sức khỏe, các cô cần phải cẩn trọng và phải phối hợp cùng gia đình trong việc dạy dỗ cháu. Phụ huynh cũng phải phối hợp chặt chẽ với giáo viên để theo dõi, giúp đỡ học sinh đó.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP .Hồ Chí Minh, để tránh những trường hợp đau lòng có thể xảy ra do phản ứng không kịp thời với các biểu hiện bệnh lý của học sinh, phụ huynh nên chủ động phối hợp với nhà trường bằng cách gửi bệnh án, mô tả các triệu chứng bệnh, cách phản ứng khi nguy cấp, gửi thuốc đặc trị cho phòng y tế trường...

Thậm chí, với các rối nhiễu tâm lý của con em mình đã được chẩn đoán, phụ huynh cũng nên trao đổi với giáo viên để giáo viên có ứng xử cho phù hợp. Ví dụ, học sinh được chẩn đoán mắc chứng tăng động nên khó lòng ngồi yên trong lớp, nếu giáo viên biết tình trạng rối nhiễu này thì có thể cho phép học sinh di chuyển trong giờ học, chấp nhận một số hành vi "gây rối" của em, kiên nhẫn uốn nắn, thay vì chỉ trích, la mắng và tránh phạt nặng nề.

Giáo viên đi dạy đều mong muốn điều tốt đẹp cho học sinh của mình, có điều đôi khi vẫn mắc sai lầm vì thiếu thông tin và thiếu kiến thức.

Được biết, hiện Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các trường cách giáo dục trẻ khuyết tật trong lớp, nhưng nhiều chỗ vẫn còn mang tính "hình thức, đối phó". Bởi vì lớp học quá đông, khoảng 40-50 học sinh, giáo viên thiếu phương tiện và không có đủ thời gian để dạy dỗ tất cả các học sinh bình thường chứ đừng nói đến quan tâm đặc biệt đến học sinh kém may mắn đó. 

Đức Thọ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh