THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:40

Không lo độc quyền khi trồng cây biến đổi gen

 

Theo nhìn nhận từ các chuyên gia đến lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thực tế trong môi trường cạnh tranh và hội nhập như hiện nay, giống ngô BĐG cũng như bất kỳ giống nào không thể độc quyền được, mà quyền lựa chọn là do chính người nông dân.

          Ngô BĐG được tạo ra từ những giống nền

          Trên thực tế, trước khi Bộ NN&PTNT chính thức công nhận một số giống ngô BĐG, tại nước ta bà con nông dân đã canh tác phổ biến các giống ngô lai cả của trong nước và của các công ty nước ngoài. Những giống ngô lai, hiện có giá phổ biến từ 80.000-120.000 đồng/kg tùy giống, đắt hơn so với giống ngô truyền thống. Ưu điểm của các giống ngô lai là, tiềm năng năng suất cao, song trong quá trình từ khi canh tác, gieo hạt đến lúc thu hoạch năng suất thực tế đạt được thấp hơn nhiều so với năng suất tiềm năng do chịu ảnh hưởng bởi cỏ dại, sâu bệnh hại làm giảm năng suất.         

Ngô biến đổi gen được trồng khảo nghiệm tại huyện Thanh Sơn, huyện Phú Thọ đang phát triển tốt.

Cũng chính bởi vậy, vấn đề được đặt ra là làm sao có thể bảo toàn tiềm năng năng suất của các giống ngô này và câu trả lời là sự cần thiết phải ứng dụng các giống ngô BĐG. Đặc tính của các giống ngô BĐG (thực chất được tạo ra từ các giống nền- ngô lai) là kháng được sâu bệnh và chống chịu được thuốc trừ cỏ.

Tháng 3.2015, Bộ NNPTNT công nhận và bổ sung 3 giống ngô NK66 BT (mang sự kiện chuyển gen Bt11), NK66 GT (mang sự kiện chuyển gen GA21) và NK66 Bt/GT của Công ty Syngenta Việt Nam. Các giống này được tạo ra từ giống nền là giống ngô lai NK66 vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Trên thực tế, giống ngô lai NK66 từ lâu đã được canh tác rộng rãi trên nhiều vùng tại nước ta.

          Tương tự với các giống ngô BĐG đang được khảo nghiệm diện rộng như 9955S, 8868S, 6918S, 6919S… của Công ty Dekalb Việt Nam thực chất cũng được tạo ra dựa trên các giống nền là ngô lai đã được canh tác tại nước ta.

Lần đầu tiên được trồng giống ngô BĐG có đặc tính kháng sâu đục thân, nông dân Lưu Văn Trần, ở xóm Sai Cả, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Tại các ruộng sử dụng giống ngô áp dụng công nghệ chuyển gen tình trạng sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang giảm rõ rệt so với các ruộng ngô lai truyền thống, đồng thời cỏ dại được quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn”.

Ông Lê Thanh Hải- cán bộ khuyến nông xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cũng chia sẻ: “Với giống truyền thống, ngô chuyển gen mang đặc tính kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ sau khi thu hoạch có thể đạt từ 6 đến 8 tấn/ha, cao hơn so với ngô truyền thống từ 1 đến hơn 2 tấn/ha. Giống ngô chuyển gen đã giúp nông dân vừa tiết kiệm được công lao động, chi phí mua thuốc trừ sâu, ruộng đồng vừa được bảo vệ khỏi các ảnh hưởng do sâu hại cắn phá và cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ dại”.

Ngô biến đổi gen được trồng khảo nghiệm tại huyện Thanh Sơn, huyện Phú Thọ đang phát triển tốt.

Không đáng lo chuyện độc quyền

Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm hiện nay là, các giống ngô BĐG hiện nay chủ yếu do một số tập đoàn nước ngoài nắm giữ bản quyền, dẫn tới hệ lụy là khi áp dụng rộng rãi, dễ dẫn tới tình trạng độc quyền, buộc người nông dân phải lệ thuộc và mua giống với giá đắt mà không có sự lựa chọn nào khác.

Giải đáp vấn đề này PGS-TS. Phạm Văn Toản- chuyên gia về cây trồng BĐG, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Cây lai cho dù là ngô hay lúa hay cây gì đi chăng nữa cũng là giống độc quyền của người sản xuất ra cây đó. Cây ngô BĐG thực chất cũng là cây lai, có điều giống gốc tạo ra giống lai được tạo ra từ cây trồng BĐG. Nói giống BĐG đắt hơn giống thông thường cũng là chuyện bình thường. Vì để tạo ra giống BĐG chi phí rất lớn, từ khâu nghiên cứu đến đưa ra thị trường mất 15 năm, chi phí hàng trăm triệu USD, nên giá giống cao hơn bình thường”.

Cũng theo PGS-TS. Phạm Văn Toản, vấn đề độc quyền, hạt lai cũng là độc quyền của nhà sản xuất, cây BĐG cũng vậy nên cần xác định rõ người sản xuất giống cần có người mua. Vì vậy, giá của người sản xuất bán cao, nông dân thấy giá bán đó không có lãi thì không mua nên người sản xuất sẽ không bán được. Cho nên, vấn đề độc quyền không đáng lo.

“Khi ta đã ra nhập WTO bán những thứ chúng ta cần và những thứ có người khác mua. Điều quan trọng là tạo ra các sản phẩm đối với người sản xuất và người mua phải có lãi, nên chuyện độc quyền và chuyện cạnh tranh không đáng lo ngại”- ông Toản khẳng định.

GS. Nguyễn Lân Dũng- Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng: Không phải doanh nghiệp người ta làm ra mà không muốn bán. Thế giới hiện nay là thế giới phẳng không ai có thể "dùng tay che mặt trời". Họ không thể "bắt nạt" mình được đâu vì không phải chỉ có một công ty bán giống. Vì thế người dân không phải lo. Sẽ có những công ty tìm cách hạ giá thành để cạnh tranh với công ty khác.

TS. Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khẳng định: “Tôi cho rằng, cây trồng biến đổi gen có phát triển được hay không tất cả phụ thuộc vào hiệu quả kinh tế. Nếu như các công ty đưa ra giá thành rất cao, nhưng hiệu quả không đáp ứng được cho người dân, thì họ sẽ có sự lựa chọn khác. Tất nhiên, về lâu dài chúng ta đang cố gắng tạo ra những giống cây trồng biến đổi gen “made in Việt Nam” do người Việt Nam nghiên cứu, tạo ra để từ đó chúng ta sẽ góp phần phát triển bền vững hơn, giảm giá thành cũng như sự lệ thuộc nếu có”.

Cũng theo ông Doanh, Cây trồng biến đổi gen đã được sử dụng rộng rãi tại rất nhiều nước trên thế giới, như khu vực Đông Nam Á, Philippines là nước đầu tiên cho phép trồng, sau đó tới Việt Nam và hiện Myanmar cũng đang bắt đầu cho phép. Còn tại châu Á, 2 nước có dân số đông nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã cho phép trồng, đặc biệt là các nước ở vùng Nam Mỹ cũng đã cho phép trồng từ lâu. 

 

“Ở nước ta, Bộ NNPTNT đã công nhận một số sự kiện biến đổi gen và đang được trồng thử nghiệm rộng rãi ở các địa phương. Kết quả cho thấy, cây ngô biến đổi gen phát triển rất tốt và chúng tôi hi vọng với việc đưa giống ngô này vào sẽ góp phần nâng cao năng suất, giảm giá thành, chi phí trong sản xuất, đặc biệt đối với những vùng thường xuyên bị sâu bệnh đặc thù hoặc những nơi có rất nhiều cỏ dại hay hạn hán…”.

(Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh)

Đại Đồng

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh