THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:12

Không ít nữ doanh nhân phải "nén" cảm xúc, bọc mình trong nỗi cô đơn…


Sóng gió và những vòng xoáy cám dỗ

Đúng hẹn, 9 giờ sáng tôi có mặt tại văn phòng công ty VNCY Investment tầng 8 tòa nhà Kinh Bắc trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Tôi bước vào gian phòng, nơi người phụ nữ trong bộ vest dài gợi cảm, hướng ra hồ Tây mùa thu lộng gió, đang say sưa trao đổi công việc bằng tiếng Anh qua điện thoại. Cuộc gọi kéo dài chừng 10 phút, với đủ những cung bậc cảm xúc từ ngữ điệu trầm bổng tới những cái nhíu mày và kết thúc bằng nụ cười viên mãn.

Đó là Trà Nguyễn, nữ giám đốc trẻ của VNCY Investment, một công ty hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, du lịch, đầu tư bất động sản và cung ứng nguồn nhân lực. Sau 5 năm thành lập, VNCY hiện có 3 chi nhánh trong nước và 5 văn phòng đại diện tại Cộng hòa Síp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bungari và Slovakia; doanh thu ước tính mỗi năm khoảng 300 tỷ đồng.

Mới đây, báo cáo mang tên “Phụ nữ trong Kinh doanh 2019” của Grant Thornton cho biết, phụ nữ hiện đang nắm giữ 29% các vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu. Trong đó, tại Việt Nam, phụ nữ thường giữ bốn vị trí hàng đầu trong các doanh nghiệp bao gồm: Giám đốc tài chính (36%), Tổng giám đốc hoặc Giám đốc điều hành (30%), Giám đốc nhân sự và Giám đốc tiếp thị (25%). Báo cáo cũng cho biết những rào cản mà các nữ lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam phải đối mặt, bao gồm: Thiếu khả năng tiếp cận các cơ hội làm việc phát triển (toàn cầu 27%; Việt Nam: 40%); tiếp cận các cơ hội kết nối (toàn cầu: 26%; Việt Nam: 35%); trách nhiệm chăm sóc khác ngoài công việc (toàn cầu: 25%; Việt Nam: 39%); tìm thời gian bên cạnh trách nhiệm công việc cơ bản (toàn cầu: 32%; Việt Nam: 35%). Đây là những thách thức mà các nữ doanh nhân cho biết đã cản trở họ đạt được các kỹ năng và thẩm quyền để thành công trong vai trò của mình.

Mới đây, báo cáo mang tên “Phụ nữ trong Kinh doanh 2019” của Grant Thornton cho biết, phụ nữ hiện đang nắm giữ 29% các vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu. Trong đó, tại Việt Nam, phụ nữ thường giữ 4 vị trí hàng đầu trong các doanh nghiệp bao gồm: Giám đốc tài chính (36%), Tổng giám đốc hoặc Giám đốc điều hành (30%), Giám đốc nhân sự và Giám đốc tiếp thị (25%). Báo cáo cũng cho biết những rào cản mà các nữ lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam phải đối mặt, bao gồm: Thiếu khả năng tiếp cận các cơ hội làm việc phát triển (toàn cầu 27%; Việt Nam: 40%); tiếp cận các cơ hội kết nối (toàn cầu: 26%; Việt Nam: 35%); trách nhiệm chăm sóc khác ngoài công việc (toàn cầu: 25%; Việt Nam: 39%); tìm thời gian bên cạnh trách nhiệm công việc cơ bản (toàn cầu: 32%; Việt Nam: 35%). Đây là những thách thức mà các nữ doanh nhân cho biết đã cản trở họ đạt được các kỹ năng và thẩm quyền để thành công trong vai trò của mình.Tốt nghiệp đại học năm 2006, từ học việc tới quay ra mở công ty riêng, phát triển thị trường nước ngoài, con đường đã trải qua đối với Trà Nguyễn dường như khá thuận lợi. Thế nhưng, nữ doanh nhân sinh năm 1984 chia sẻ, khó khăn, va đập và cả đớn đau đến với chị từng ngày, trong từng phi vụ. "Nữ doanh nhân nào cũng thế, cấp độ quy mô càng lớn thì sóng gió nhiều hơn, thậm chí đau đớn cũng hơn. Cuộc sống là một hành trình liên tục để tôi luyện và phát triển", Trà Nguyễn chia sẻ.

Theo Trà Nguyễn, kinh doanh là sân chơi bình đẳng giành cho những người có ý tưởng sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, ý chí mạnh mẽ táo bạo. Do đó, sẽ không có chuyện phân biệt giữa phái yếu hay mạnh, nam hay nữ. "Thế mạnh của phụ nữ làm doanh nghiệp chính là sự nhạy cảm, tinh tế với đầu óc kinh doanh, họ sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội hơn so với nam giới khi các anh nghiêng về phần nhiều lý trí. Thứ nữa, quyền lực mềm toát lên từ dáng vẻ, cách thức giao tiếp cũng sẽ mang lại lợi thế cho nữ doanh nhân trong việc tiếp cận các mối quan hệ, dễ đi vào lòng đối tác. Hoặc khi có sự xung đột trong công việc, quyền lực mềm cũng giúp phụ nữ có khả năng khiến đối phương phải "hạ nhiệt"", nữ giám đốc chia sẻ.

Tuy nhiên, chính quyền lực mềm cũng tạo ra điểm bất lợi đối với doanh nhân nữ. "Khi phụ nữ làm doanh nghiệp lại có chút nhan sắc, rất dễ bị xoáy vào cám dỗ từ những mối quan hệ phát sinh. Đặc biệt khi ra nước ngoài, nếu phụ nữ Việt áp tư tưởng Á Đông vào các mối quan hệ thì cực kỳ nguy hiểm. Không giống như đàn ông bộ não được phân ngăn khối rõ ràng, còn phụ nữ thì luôn lẫn lộn và bị điều khiển bởi cảm xúc. Do đó doanh nhân nữ từng ngày cần phải tôi luyện học cách kiềm chế, vượt lên để điều tiết cảm xúc", Trà Nguyễn cho hay.

Phụ nữ làm doanh nghiệp thường cô đơn

Hoạt động đa lĩnh vực, tại nhiều nước, thời gian của Trà Nguyễn phần lớn dành cho những chuyến công tác có khi kéo dài cả tháng trời. "Hai con gái nhỏ luôn phàn nàn "sao mẹ đi nhiều thế?"… Công việc của mình đối ngoại mở rộng thị trường làm marketing, có những khi đi cả tháng bên trời Tây, ngay cả khi ở Việt Nam, thời gian dành cho gia đình cũng rất ít. Chính vì thế chồng tôi phải lùi lại phía sau để chăm sóc con cái và tổ ấm của mình", nữ giám đốc nói và chia sẻ, công việc bên ngoài dường như rút hết năng lượng của chị. "Khi trở về nhà cảm giác mệt mỏi luôn thường trực, năng lượng tích cực dành cho con cái, gia đình gần như mất đi. Khả năng điều tiết của mỗi người đều có giới hạn. Làm sao đảm bảo sự cân bằng giữa công việc với gia đình, với tôi chính là công việc khó khăn nhất trong giai đoạn này".

Từ cuộc sống của mình, Trà Nguyễn cho rằng, với nữ doanh nhân, giỏi kinh doanh là chưa đủ, họ cần tìm được "đối tác" có thể chia sẻ, bù trừ giúp cân bằng lại cuộc sống. "Đối tác trong cuộc sống của nữ doanh nhân chính là người chồng để hỗ trợ, đồng hành giúp họ trở thành phiên bản tốt nhất có thể" .

Thực tế, có rất nhiều nữ doanh nhân thành đạt bên ngoài nhưng quay về gia đình họ lại không có được hạnh phúc khi người bạn đời không đủ rộng lượng chia sẻ. "Khi phụ nữ làm lãnh đạo, mọi hành động của mình liên quan tới rất nhiều con người, thì cảm giác cô đơn lạc lõng là điều hiển nhiên, thường trực. Trong hoàn cảnh đó nữ doanh nhân chỉ có 2 cách lựa chọn, một là chấp nhận đơn độc, hoặc sẽ tìm cho mình một môi trường, một mối quan hệ khác, nơi họ có thể giải tỏa lấy lại cân bằng để tái tạo năng lượng. Nếu không họ sẽ là người đầu tiên tiêu diệt bản thân mình", nữ giám đốc nói và cho biết, đó chính là lý do khiến chị tham gia Câu lạc bộ doanh nhân nữ WLIN Venus, nơi mà chị có thể giao lưu, chia sẻ và học hỏi được nhiều điều.

Những rào cản ngáng chân nữ doanh nhân

Chuyện thầm kín nữ doanh nhân ở CLB Venus - Ảnh 2.

Nữ doanh nhân Trà Nguyễn cho rằng, nếu không học cách cân bằng tái tạo năng lượng, doanh nhân nữ chính là người đầu tiên tự tiêu diệt mình

Tham gia Venus ngay từ những ngày đầu, chị Vũ Minh Hằng, Giám đốc marketing một công ty chuyên lĩnh vực bất động sản chia sẻ: Không giống với những câu lạc bộ doanh nhân khác, thành viên tham gia với mục đích chính nhằm gia tăng doanh số, Venus hoạt động theo hướng giúp chị em phụ nữ xây dựng thương hiệu cá nhân, từ đó mới góp phần hỗ trợ công việc kinh doanh. "Doanh nhân nữ gặp nhiều khó khăn thường trực trong cuộc sống cũng như công việc, chúng tôi tìm tới Venus như một nơi để đồng hành, chia sẻ và tiếp nhận năng lượng tích cực. Trước đó công việc khiến chúng tôi luôn quay cuồng, nhiều lúc không chú ý tới bản thân, tuy nhiên sau khi sinh hoạt tại Venus, ai cũng nghiệm ra điều trước hết phải yêu chính mình rồi mới biết cách để cân bằng những quan hệ khác trong đời sống", chị Hằng nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, bà Lê Sương Mai, CEO Công ty Cổ phần Trà Sương Mai, Chủ tịch điều hành Câu lạc bộ doanh nhân nữ WLIN Venus nhận định: Thực tế, CEO nữ tại Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi, khi phải gồng mình trong nhiều vai. "Lãnh đạo cả một doanh nghiệp nhưng khi về nhà, nữ doanh nhân vẫn phải tròn vai làm vợ, làm mẹ, chỉn chu từ việc nội trợ tới nuôi dạy con cái… Ra ngoài họ là những doanh nhân giỏi, có tri thức, tầm nhìn nhưng trong gia đình, đối mặt với chồng họ vẫn phải nhún nhường, thậm chí nhiều khi còn phải vờ như không biết để người đàn ông cảm thấy được đề cao hơn", bà Mai nói.

Lý giải về sự cô đơn của doanh nhân nữ, bà Mai cho rằng điều này xuất phát từ quan điểm sống. Những phụ nữ thông thường mỗi lần gặp nhau, nếu không nói chuyện về con cái thì cũng nói xấu chồng, nhà chồng… để xả stress. Tuy nhiên, khi đã đứng trên cương vị lãnh đạo, doanh nhân nữ rất khó và ngại nói ra những chuyện riêng tư. Thậm chí, nhiều người nghĩ đã là doanh nhân thành đạt thì phải chấp nhận đánh đổi, gia đình khó được trọn vẹn, "được cái nọ thì mất cái kia" hay "trời không bao giờ cho ai tất cả"... Chính lối suy nghĩ này đã khiến doanh nhân nữ không cho mình có cơ hội để hoàn thiện cuộc sống của mình.

"Đây cũng là lý do vì sao Câu lạc bộ doanh nhân nữ như Venus ra đời. Chúng tôi cần một môi trường, một cộng đồng để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giải quyết công việc, phát triển doanh nghiệp cũng như cách cân bằng trong cuộc sống", bà Mai cho hay.

Thành lập chưa đầy 1 năm, Venus hiện có 32 thành viên là những nữ doanh nhân của 32 ngành nghề khác nhau. "Ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ, mỗi tháng chúng tôi sẽ mời diễn giả nổi tiếng để nói chuyện theo chủ đề về thương hiệu, nhân hiệu, tình yêu lối sống… Đó không chỉ là buổi gặp nhau vui vẻ đơn thuần mà sau khi ra khỏi cánh cửa câu lạc bộ, mỗi thành viên sẽ dần hoàn thiện bản thân. Họ không nhất thiết phải trở thành một doanh nhân xinh đẹp lộng lẫy nhưng họ luôn giữ thần thái, tự tin ứng xử trong mọi tình huống ở mọi lúc, mọi nơi… Và quan trọng nhất là giữ được lửa trong mái ấm của mình", bà Lê Mai chia sẻ.

Theo Hoàng Ngân/ Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh