THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:19

Không được phân biệt khám dịch vụ và khám BHYT

 

Điều trị bằng BHYT vẫn bộc lộ nhiều bất cập

Là một trong những lĩnh vực lớn và quan trọng hàng đầu của ngành y tế nhưng mảng điều trị hiện bộc lộ rất nhiều bất cập. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Viết Tiến, đó là sự quá tải của truyến trên và sự lãng phí tuyến dưới. Đó là vấn đề y đức, có người giỏi nhưng chưa đồng đều nên đã gây ra những mâu thuẫn, sự cố y khoa, dù chỉ là số ít nhưng vẫn luôn nổi cộm, khiến người dân bức xúc; thiếu nhân lực do cơ chế tuyển dụng, đặc biệt là  sự phân biệt giá dịch vụ y tế giữa BHYT và dịch vụ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh bức xúc lớn nhất hiện nay là tình trạng phân biệt giữa khám dịch vụ và khám bảo hiểm y tế cùng với những tiêu cực từ việc đặt máy móc, thiết bị y tế xã hội hóa và một trong những nguyên nhân quan trọng là do cơ chế tài chính. Tuy nhiên, giải pháp xã hội hóa cách đây gần 30 năm nhằm khắc phục vấn đề tài chính lại đang tiếp tục gây ra các vấn đề mới như sự quá tải; đầu tư mất cân đối, không tách bạch công tư, tình trạng lạm dụng xét nghiệm…

Bàn về giải pháp, Phó Thủ tướng khẳng định cần bóc tách rành mạch giữa công tư; khuyến khích tư nhân đầu tư vào khám chữa bệnh đặc biệt là khuyến khích đầu tư phi lợi nhuận. Ngành y tế cần giữ vững lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tập trung cho những vùng thật sự khó khăn đồng thời phát huy hiệu quả cơ sở đã đầu tư. Để đảm bảo nguồn tài chính y tế bền vững cần có cơ chế huy động, chi tiêu phù hợp, trong đó bảo hiểm y tế ngoài tăng diện bao phủ phải đa dạng gói bảo hiểm, kết hợp giữa bảo hiểm y tế cơ bản với các gói bảo hiểm thương mại, giảm bớt chi tiêu từ tiền túi người dân. Ngoài ra, nên tiếp tục cho phép mô hình đào tạo y dược tại các trường tư thục nhưng chỉ cấp chứng chỉ cộng đồng, còn nếu muốn làm chuyên môn thì cần phải thi lên, học tiếp ở những trường ĐH Y dược uy tín để vừa đảm bảo nhu cầu của xã hội lại đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của một ngành vốn rất đặc thù.

 

Cán bộ xã hướng dẫn người dân tham gia BHYT tự nguyện.


Về vấn đề quản lý thuốc,  theo Thứ trưởng Bộ Y tế  Trương Quốc Cường, vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành dược là chưa kiểm soát được hệ thống phân phối – nước ngoài đang chiếm ưu thế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại cho rằng vấn đề bán thuốc không theo đơn đang là tồn tại lớn nhất của ngành dược. Phó thủ tướng nhấn mạnh việc không kiểm soát được thuốc kê đơn tại hơn 40.000 nhà thuốc trên khắp toàn quốc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc, lạm dụng thuốc đáng báo động tại nước ta. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần kiên quyết lập lại hệ thống phân phối, từ bệnh viện đến nhà thuốc; đẩy mạnh cơ cơ chế đấu thầu thuốc vừa đảm bảo không khan hiếm thuốc và người bệnh được dùng loại thuốc phù hợp nhất, có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp nhất. Đặc biệt, cần quản lý các nhà thuốc bán lẻ theo hướng có Đề án riêng trong đó yêu cầu tất cả các nhà thuốc phải bán qua máy để quẹt mã thuốc qua máy và tất cả các loại thuốc được quản lý xuyên suốt từ đầu vào đến phân phối, nhà thuốc và đến người bệnh.

Tập trung đầu tư cho y tế dự phòng

Phụ trách mảng y tế dự phòng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng bên cạnh những điểm nổi bật như mạng lưới/hệ thống dự phòng đã sớm hình thành và rộng khắp; khống chế kiểm soát được dịch bệnh, thay đổi được cơ cấu bệnh tật; tuổi thọ cao và cải thiện được chiều cao…, hiện nay y tế dự phòng, y tế cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn, không được coi trọng đúng mức.

Vấn đề lớn nhất là các cơ chế, chính sách đang được thiết kế theo hướng ưu tiên cho điều trị, coi “bộ mặt của ngành y tế là bệnh viện”. Điều đó dẫn đến thực tế dù có rất nhiều bệnh viện được đầu tư, xây mới, hiện đại nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong khi nguyên lý chung trên thế giới là đầu tư cho dự phòng để hạn chế người dân đến bệnh viện, rút ngắn thời gian điều trị.

Đối với hệ thống y tế cơ sở, dù đã được đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả, chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, khoảng 30% người dân chưa đi khám bệnh định kỳ, khi phát hiện có bệnh thì đã nặng.

 

Khám chữa bệnh BHYT còn rất nhiều bất cập


Giải pháp Thứ trưởng Long đưa ra là tính đúng tính đủ 2.500 dịch vụ y tế dự phòng áp dụng cho cả mô hình công (nhà nước đặt hàng) và tư (người dân có nhu cầu); tối ưu hóa phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm ở tất cả các tuyến để không còn sự phân biệt. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng gợi ý một giải pháp là y tế tuyến cơ sở sẽ thực hiện chăm sóc giảm nhẹ (ung thư giai đoạn cuối) - giải quyết bài toán “trả về” của nhiều bệnh viện khi bệnh nhân không thể cứu chữa….

“Những bất cập này đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách theo hướng sử dụng ngân sách nhà nước tập trung cho dự phòng, còn lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh sử dụng quỹ BHYT. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại tuyến y tế cơ sở sử dụng từ nguồn BHYT và ngân sách nhà nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý và nhấn mạnh trọng tâm của đề án phải coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc rễ, nền tảng, tập trung đầu tư cho những vùng thật sự khó khăn.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh