CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:59

Không được bố trí, bổ nhiệm người thân vào vị trí có nguy cơ tham nhũng

 

Tập trung giải quyết lợi ích nhóm, thành lập sân sau 

Theo báo cáo của Chính phủ có nêu: “Kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng...”; “tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm…”.

Nhận định này khiến nhiều đại biểu, thành viên Ủy ban Tư pháp băn khoăn. “Đề nghị Chính phủ khẳng định rõ tham nhũng có giảm hay không? Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Thượng tướng Lê Quý Vương

 

Giải trình điều này, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn cho hay, nhận định trên không nhằm mục đích khẳng định tình hình tham nhũng năm 2017 giảm hơn năm 2016 hay dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 giảm hơn năm 2017.

“Việc so sánh tình hình tham nhũng giữa các năm tăng hay giảm là nội dung phức tạp và rất khó thực hiện do độ ẩn của hành vi tham nhũng và thiếu những công cụ đo lường tin cậy, có tính chất thuyết phục cao. Nhận định, dự báo nêu trên được diễn đạt chỉ nhằm mục đích thể hiện xu hướng của tình hình tham nhũng trước những nỗ lực và các tác động tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được trong kỳ báo cáo”, ông Đặng Công Huẩn cho hay.

Tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn thừa nhận, việc chuẩn bị báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 được tiến hành cơ bản như việc chuẩn bị báo cáo năm 2016 nên chưa thực sự làm toát lên được những thay đổi nổi bật.

Báo cáo của Chính phủ tuy đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng một số nội dung báo cáo còn chung chung, thiếu địa chỉ cụ thể, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.

Cũng tại phiên họp, Thứ trưng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay, nếu nhìn lại các vụ án về tham nhũng đang điều tra, xét xử thì đa phần đã xảy ra cách đây hàng chục năm như vụ Hà Văn Thắm từ 2009, Trịnh Xuân Thanh cũng thời điểm 2009, Vinashin, Vinalines, Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó.

“Tức là các vụ án lớn hiện nay đang giải quyết hậu quả của thời gian trước, quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Ở các vụ này đều có hai vấn đề cần phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau”, ông Vương cho hay.

Theo Thứ trưởng Vương, qua các vụ việc này nổi lên một số vấn đề như việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả, đạo đức công vụ của cán bộ trong một số lĩnh vực yếu kém, lợi ích nhóm, cầm tiền chia chỗ này, chỗ kia; kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả; thiếu công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan...

“Đơn cử như sai phạm PVC - vụ án đang điều tra thì việc thành lập doanh nghiệp, chỉ định thầu không đúng quy định, nhất là sai phạm trong tổng thầu. Hay lĩnh vực ngân hàng cũng cho vay rất dễ dàng, cứ rót vốn Nhà nước vào rồi cho vay. Hiện đang xử vụ Oceanbank cho thấy sơ hở rất lớn trong quản lý”, ông Vương nói.

 Có xung đột lợi ích phải báo cáo

Tiếp tục phiên làm việc, chiều nay 6/9, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Cấm cán bộ thành lập doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mình quản lý Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, liêm chính là một chế định mới được quy định trong Dự thảo trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật hiện hành bao gồm: quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh (từ Điều 23 đến Điều 26).

Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn

 

Đáng chú ý, tại Điều 23, dự luật đã quy định cụ thể những việc mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Đó là, không được cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh đối với tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cán bộ, công chức, viên chức cũng bị cấm thành lập doanh nghiệp, giữ chức vụ quản lý, điều hành hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn 05 năm kể từ khi thôi giữ chức vụ, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định thời hạn dài hơn thì áp dụng quy định của pháp luật đó…

Dự luật cũng quy định cụ thể các trường hợp để loại trừ việc “bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng”. Theo đó, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Không bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người thuộc trường hợp có bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

Điều này cũng được áp dụng với trường hợp có vợ, chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu là người quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp hoặc kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu…

Cũng theo Phó Tổng Thanh tra, dự luật lần này cũng quy định về xung đột lợi ích để loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy hành vi tham nhũng. “Xung đột lợi ích được hiểu là tình huống mà trong đó cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hoặc không thực hiện một nhiệm vụ được giao có thể mang lại lợi ích không chính đáng cho cá nhân họ, cho người thân thích của họ”

Dự thảo quy định rõ, người được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ đó nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích thì phải báo cáo với người lãnh đạo, quản lý trực tiếp để xem xét, xử lý. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức thì có nghĩa vụ thông tin, báo cáo cho người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

Ngô Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh