CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:18

"Không điều chỉnh nhanh, đến 2030 không còn BHXH mà chi trả"

Niềm tin tăng nhanh 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, bước vào năm 2017, bên cạnh những thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, lũ lụt năm nay quá nặng nề, nhưng chúng ta đạt được thành tựu như vậy là sự cố gắng, được Quốc hội ghi nhận.

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh, đó là cố gắng của cả hệ thống chính trị, trong đó phải kể đến vai trò quản lý điều hành của Chính phủ. Hàng tháng, từng lĩnh vực và từng công việc, Chính phủ đều đặt ra các phương án khác nhau, các kịch bản khác nhau để sâu sát trong quá trình điều hành, sát với thực tiễn với một quyết tâm rất cao của các đồng chí thường trực và các Bộ, ngành.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại thảo luận tổ sáng nay 24/10

 

Bộ trưởng đơn cử, như trong lĩnh vực nông nghiệp, 9 tháng đầu năm có những thuận lợi nhất định. “Nếu nhìn lại 6 tháng đầu năm 2016, thì tăng trưởng kinh tế âm, thì năm nay rõ ràng dư địa chúng ta cũng có phát triển, và tăng trưởng ở lĩnh vực này tương đối cao”, đại biểu Đào Ngọc Dung nói.

Cùng với đó, trong công nghiệp quan trọng nhất là có một số lĩnh vực mới như khâu sản xuất công nghiệp, được đà tăng trưởng và có tín hiệu đáng mừng là sau nhiều năm rồi, tăng trưởng trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có bước tăng trưởng…

Cũng theo Bộ trưởng, trong Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 của Chính phủ, có một vấn đề xã hội rất quan trọng, tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, niềm tin trong xã hội, đó chính là cởi mở, cải cách hành chính, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư.

Cùng với đó, “năm nay kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, thực sự tạo ra sự lan tỏa sâu rộng , lay động trong toàn dân; làm nhiều việc thiết thực cho người có công với lòng tri ân; rồi lĩnh vực giải quyết đói nghèo, thất nghiệp, giải quyết việc làm cũng đề cập rất rõ, và có những chiều hướng tích cực”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ. 

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, tuy trong Báo cáo chỉ có một câu thôi, nhưng niềm tin xã hội cũng tăng nhanh. Điểm được ghi nhận là đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng, lãng phí tạo niềm tin cho nhân dân. “Niềm tin trong dân, niềm tin trong nhà đầu tư, trong các cấp đều tăng lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

BHXH: đóng ít hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng dài

Nhấn mạnh việc trong toàn bộ hệ thống an sinh xã hội, thì bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là trục chính của xã hội, thế nhưng cả hai lĩnh vực này theo Bộ trưởng, hiện đang rơi vào tình trạng bấp bênh.

 

“Chúng ta chỉ có hơn 13 triệu người tham gia BHXH. Về nguyên tắc, BHXH là có đóng có hưởng, thế nhưng rất nhiều chỉ tiêu có xu hướng đi ngược thế giới: đóng ít hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng dài. Bởi vậy, chuyện vỡ bảo hiểm, nếu không thiết lập nhanh, không điều chỉnh nhanh, thì đến 2030- không cần phải đến 2035- thì không còn BHXH nữa mà chi trả nữa”, Bộ trưởng cho biết. 

“Bây giờ còn kết dư BHYT là 48 nghìn tỷ, nhưng riêng năm 2017 đã “ăn” vào kết dư là 12 nghìn tỷ rồi. Cái này như là con nghiện ấy, anh đã nghiện loại thuốc nào rồi, thì tháng sau, năm sau anh phải hút nặng hơn, không bao giờ nhẹ đi được”, Bộ trưởng nhấn mạnh, vì thế càng ngày càng “ăn” vào bảo hiểm. “Nguy cơ đến 2022, bảo hiểm y tế sẽ là bài toán khó lường chỗ này”, Bộ trưởng quan ngại.

Theo Bộ trưởng Dung, cần phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ NSNN, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA còn chậm. Bản thân 2 chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội cho chỉ tiêu, quyết định, cho cơ chế đặc thù bằng nghị quyết rồi, nhưng bây giờ tiền không có. Nên đến giờ, với 2 chương trình mục tiêu, giải ngân tổng thể mới đạt 25,4 %”, Bộ trưởng thông tin.

“Hôm nay, tôi nói trước Quốc hội, không phải là “vạch áo cho người xem lưng” đâu, nhưng là đang bàn công việc của đất nước. Giải ngân hai chương trình mục tiêu quốc gia, mang tính chất nền tảng của đất nước mà còn khó khăn thế này. 
Vì thế, tôi đề nghị phải coi việc này, và ngay sau kỳ họp này, phải thực thi bắt buộc bằng một Nghị quyết hoặc chủ trương của Quốc hội- là yêu cầu khống chế thời gian giải ngân”, Bộ trưởng đề nghị.

Quay trở lại việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tập trung tháo gỡ cho họ, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, vốn được coi là một động lực phát triển.

“Đảng, Chính phủ tháo gỡ rất nhiều về chủ trương, nhưng vẫn tình trạng “trên nói nhưng dưới chưa chuyển”. Vẫn rất phiền hà, phiền nhiễu, chi phí gầm bàn, chi phí bên trong… nhiều chuyện phải chi phí. Doanh nghiệp kêu nhưng mà không dám “kêu to” vì để còn… cửa sống”, Bộ trưởng nêu rõ.

 

Bài: THANH NHUNG - Ảnh: MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh