Không để xảy ra hiện tượng phát tán sản phẩm có “đường lưỡi bò” trên lãnh thổ Việt Nam
- Tây Y
- 03:40 - 06/11/2019
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, liên quan đến việc Trung Quốc cố tình cài cắm bản đồ có hình ảnh "đường lưỡi bò" trên một số sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô tô, phần mềm, sách giáo khoa… là việc ta phải suy nghĩ. "Chúng tôi rất cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã phản ánh việc này. Thẩm định phim ảnh để đưa ra công chúng là trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu thẩm định không đúng, để xảy ra sơ suất đưa ra công chúng những hình ảnh như vậy thì trách nhiệm là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đối với ô tô nhập khẩu theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, kiểm tra theo lô. Đây là cải cách để tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu. Nhưng trước hết, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có vấn đề xảy ra. Việc hoàn thiện thể chế, quy định Bộ Tư pháp cũng đã đề xuất với Chính phủ vì từ trước đến nay không xảy ra những việc tương tự.
"Việc hình ảnh "Đường lưỡi bò" xuất hiện trong giáo trình của ĐH Kinh doanh và Công nghệ và đã được sử dụng trong thời gian dài, nhưng không phát hiện thì Bộ GD&ĐT cũng có trách nhiệm khi kiểm duyệt giáo trình. Chúng ta phải khuyến cáo người dân khi dùng sản phẩm nước ngoài vì không thể để xảy ra việc phát tán những sản phẩm có "đường lưỡi bò" tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta phải cảnh giác cao độ. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng để có giải pháp ứng phó kịp thời với những vấn đề này" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, việc Trung Quốc cố tình cài cắm bản đồ có hình ảnh "đường lưỡi bò" vào sản phẩm phim ảnh, Bộ VH-TT&DL đã xử lý việc vi phạm này liên quan đến tổ chức, cá nhân, trong đó có xử lý Hội đồng thẩm định phim và trách nhiệm của cá nhân đứng đầu. Không để tiếp diễn những vụ việc như vậy, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan trong Bộ, trong đó có các đơn vị liên quan đến các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt Cục Điện ảnh, phải kiện toàn lại nhân sự đối với các bộ phận liên quan đến rà soát về mặt nội dung, cấp phép phim, tăng cường trách nhiệm, có thêm những công cụ hiện đại để rà soát…
"Chúng tôi cũng quán triệt cán bộ trong ngành VH-TT&DL phải tăng cường tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ. Chúng tôi cũng kiện toàn lại toàn bộ Hội đồng duyệt phim quốc gia; tới đây, ngoài việc thành lập Hội đồng theo quy định hiện hành, chúng tôi cũng xác định đối với những trường hợp cụ thể có thể phải mời thêm chuyên gia ở các lĩnh vực cùng phối hợp và hỗ trợ cũng như tham vấn cho Hội đồng trên các lĩnh vực.
Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ lâu dài và quan trọng nên đã giao cho các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng công cụ, kỹ thuật hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đối với các hành vi vi phạm. Chúng tôi giao cho Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ VH-TT&DL phối hợp với các bộ, ngành để có thể rà soát được các hình ảnh cũng như âm thanh, lời thoại trong phim. Chúng tôi cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm văn hoá nói chung, điện ảnh nói riêng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không thể phó thác trách nhiệm cho các cơ quan thẩm định" - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, sẽ có nhiều cơ quan cùng phối hợp, rà soát nội dung, hy vọng tới đây những sự việc đáng tiếc như bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" sẽ được chấn chỉnh.
Về việc hình ảnh "Đường lưỡi bò" xuất hiện trong giáo trình của ĐH Kinh doanh và Công nghệ và đã được sử dụng trong thời gian dài, nhưng không phát hiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Điều 36 Luật Giáo dục đại học có nêu: Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập.
Bộ GD&ĐT đã có Thông tư về việc biên soạn, sử dụng giáo trình có ghi rõ Hội đồng thẩm định giáo trình lựa chọn giáo trình để đưa lên Hiệu trưởng trường xem xét, quyết định. Do đó, trách nhiệm của việc này đầu tiên thuộc về Hội đồng thẩm định giáo trình và Hiệu trưởng trường đại học.
"Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Đại học Kinh doanh và Công nghệ dừng ngay việc sử dụng giáo trình này. Đồng thời, yêu cầu trường thực hiện thẩm định lại toàn bộ giáo trình đang lưu hành. Đồng thời tiến hành xem xét kiểm điểm và kỷ luật các cá nhân liên quan đến việc này đúng theo quy định" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.