THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:08

Không để phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của Việt Nam vì bạo lực trên cơ sở giới

Không để phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của Việt Nam vì bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 1.

Bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam

Theo Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có gần 2 người (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra, 13,3% phụ nữ từng trải qua bạo lực tình dục do chồng gây ra trong đời.

Thực tế là dù bạo lực có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kỳ giới tính hay độ tuổi nào, nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nạn nhân chủ yếu, chịu ảnh hưởng nhiều và nặng nề nhất từ bạo lực giới và đối tượng gây bạo lực chủ yếu là nam giới. Vì vậy, nam giới đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Đó là lý do cuộc thi truyền thông "Nam giới hành động – Chấm dứt bạo lực với phụ nữ" ra đời.

Không để phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của Việt Nam vì bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch sáng lập Trung tâm CSAGA

Cuộc thi diễn ra từ ngày 24/5 đến ngày 24/6/2021 do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức Bánh mì cho thế giới và sự đồng hành của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).

Theo Ban tổ chức, cuộc thi đã nhận được 139 bài dự thi, gần 190.000 người tiếp cận theo dõi trên trang Facebook CSAGA Việt Nam, thu hút hơn 120.000 lượt tương tác trên mạng xã hội. Các bài dự thi cũng đã thu hút được sự quan tâm, yêu thích và tạo nên hiệu ứng tích cực với cộng đồng mạng xã hội.

Không để phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của Việt Nam vì bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 3.

Giải Nhất cuộc thi thuộc về tác giả Lê Nhật Linh với video "Đừng làm ngơ trước bạo lực giới"

10 giải thưởng đã được trao cho 10 tác phẩm truyền thông xuất sắc nhất của Cuộc thi.

Giải Nhất thuộc về tác giả Lê Nhật Linh với video "Đừng làm ngơ trước bạo lực giới"

Giải Nhì được trao cho Nhóm B&C (Bùi Hoàng Quân & Nguyễn Châu Ngọc San) với phim ngắn "Chương mới"

Giải Ba thuộc về tác giả Phạm Thanh Xuân với bộ ảnh "Cẩm", tác giả Trần Minh Anh với video "Bạn hiểu thế nào là bạo lực đối với phụ nữ?".

Ban tổ chức cũng trao 5 giải Khuyến khích, giải có lượt tương tác cao nhất cho các tác giả và nhóm tác giả.

Không chỉ tìm kiếm những sản phẩm truyền thông, cuộc thi còn nhằm kêu gọi và thúc đẩy sự tham gia của người trẻ, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai, nhận diện các hành vi và đưa ra giải pháp ứng phó về vấn đề bạo lực với phụ nữ hoặc đề xuất cách thức hỗ trợ/can thiệp khi chứng kiến các hành vi trên.

Tại lễ trao giải ngày 28/6, bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu: " Tôi vô cùng ấn tượng với kỹ năng truyền thông và vận động mạnh mẽ của người trẻ trong chiến dịch "Không có bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái". UNFPA mong muốn tất cả chúng ta có thể duy trì sự phát triển này, và chúng ta sẽ không để phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của Việt Nam vì bạo lực trên cơ sở giới".

Bà Naomi Kitahara cũng chỉ ra vai trò quan trọng của báo chí, "Chúng ta cần phá vỡ sự im lặng để những nạn nhân của bạo lực giới có thể chia sẻ và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ khi họ cần. Truyền thông cần đề cập đến những hậu quả nghiêm trọng của bạo lực giới đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả đất nước. Dù bạo lực xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào, ai là người bị ảnh hưởng, thì điều đó cũng phải dừng lại"

Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch sáng lập Trung tâm CSAGA  chia sẻ: "Nam giới là đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. CSAGA luôn mong muốn được đồng hành và làm việc với nam giới, thanh niên và trẻ em trai để thúc đẩy hiểu biết và phát triển các kỹ năng xây dựng quan hệ, giải quyết mâu thuẫn, xây dựng hòa bình.

Xuân Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh